Lương - Bảo hiểm

Sẽ bổ sung chế độ trợ cấp thai sản với lao động nữ

Hà Phong 04/06/2024 - 12:43

Sáng 4-6, tại UBND xã Tiên Dương (huyện Đông Anh), Báo Lao động Thủ đô phối hợp Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Đông Anh tổ chức Đối thoại - Giao lưu trực tuyến - Truyền thông chính sách năm 2024 chuyên đề “Những điều cần biết về chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) và chính sách liên quan đến người lao động".

fb_img_1717466591150.jpg
Ban tổ chức tặng hoa các chuyên gia tham gia tọa đàm. Ảnh: PV

Chương trình có sự tham dự của gần 300 cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động huyện Đông Anh.

Trả lời câu hỏi của anh chị em lao động là các chuyên gia lĩnh vực pháp luật, chính sách, sức khỏe, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, gồm: Tiến sĩ Nguyễn Huy Khoa - Phó Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Công đoàn; Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Công Định - Giám đốc Cơ sở II, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội; bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông, BHXH thành phố Hà Nội.

screenshot_20240604_112415_chrome.jpg
Hợp đồng lao động, tuổi nghỉ hưu là vấn đề người lao động đặc biệt quan tâm. Ảnh: PV.

Về việc Hợp đồng lao động (HĐLĐ) và Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) có nội dung quy định khác nhau thì thực hiện theo quy định nào(?), chuyên gia Nguyễn Huy Khoa cho hay: Nếu HĐLĐ là cơ sở pháp lý để thiết lập quan hệ giữa cá nhân người lao động với chủ sử dụng lao động, thì TƯLĐTT là cơ sở pháp lý để thiết lập mối quan hệ giữa tập thể người lao động với chủ sử dụng lao động, áp dụng chung cho tập thể người lao động.

screenshot_20240604_112440_chrome.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Huy Khoa, Phó Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Công đoàn trả lời các câu hỏi của người lao động. Ảnh: PV

Về nguyên tắc, khi đàm phán giao kết HĐLĐ thì HĐLĐ không được trái với TƯLĐTT. Nếu nội dung trong HĐLĐ khác với TƯLĐTT mà có lợi hơn cho người lao động thì sẽ áp dụng trực tiếp HĐLĐ, còn nếu HĐLĐ có nội dung trái với TƯLĐTT thì nội dung trái đó bị vô hiệu.

Về nhu cầu đặc biệt - nghỉ hưu trước tuổi, chuyên gia Dương Thị Minh Châu thông tin: Năm 2024, tuổi nghỉ hưu của nam là 61, nữ 56 tuổi, 4 tháng. Nếu người lao động muốn nghỉ hưu trước tuổi, trong điều kiện lao động bình thường thì sẽ được về trước tuổi 5 năm.

Cũng theo bà Dương Thị Minh Châu, theo quy trình Luật BHXH năm 2014, người tham gia BHXH tự nguyện phải có đủ 20 năm đóng BHXH và đủ tuổi nghỉ hưu thì mới được hưởng lương hưu. Hiện có 2 chế độ là hưu trí và tử tuất. Nhưng dự thảo Luật BHXH đã bổ sung chế độ trợ cấp thai sản với nữ lao động.

Với người lớn tuổi mới tham gia BHXH tự nguyện, đã đủ tuổi nghỉ hưu, có thể đóng một lần cho những năm còn thiếu để đủ thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu. Người lao động sẽ hưởng lương hưu ngay sau tháng đóng đủ số năm còn thiếu.

Với người tham gia BHXH bắt buộc cũng tương tự, có thể đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu.

Về nhu cầu in thẻ bảo hiểm y tế bản giấy của người lao động, bà Dương Thị Minh Châu cho biết, hiện nay, thành phố Hà Nội đã đồng bộ hóa Cơ sở dữ liệu dân cư, nên đã triển khai tại tất cả các bệnh viện khi khám bệnh sử dụng thẻ căn cước công dân. Nhưng nếu người dân cần, cơ quan BHXH vẫn in thẻ bảo hiểm y tế giấy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sẽ bổ sung chế độ trợ cấp thai sản với lao động nữ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.