Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề xuất tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm: Sự điều chỉnh cần thiết

Hà Phong| 01/03/2014 06:51

(HNM) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chuẩn bị xin ý kiến đại biểu Quốc hội về việc tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, HĐND các cấp bầu và phê chuẩn.

Tạm dừng để sửa đổi nghị quyết

Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thị Nương cho biết, qua tổng hợp ý kiến của các đơn vị liên quan cho thấy, quá trình thực hiện Nghị quyết 35 cũng có ý kiến băn khoăn. Điển hình là văn bản hướng dẫn của UBTVQH còn một số điểm chưa rõ ràng, chưa lường hết các tình huống trong thực tế như việc tính mốc thời gian để người được lấy phiếu tín nhiệm làm báo cáo tự đánh giá; người được lấy phiếu tín nhiệm đã bị khởi tố, điều tra, hoặc đang bị tạm đình chỉ công tác. Về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm theo tổng hợp có 3 loại ý kiến. Trong đó, nhiều tỉnh, thành phố phản ánh đối tượng lấy phiếu theo Nghị quyết 35 đối với HĐND còn quá hẹp, cần phải mở rộng đến thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp. Quá trình triển khai, một số địa phương chưa nghiên cứu kỹ các văn bản, công tác chuẩn bị chưa chu đáo nên khi thực hiện còn lúng túng. Cá biệt có tỉnh (Kiên Giang) còn tổ chức kỳ họp HĐND bất thường để thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm, có tỉnh chưa chủ động thực hiện và hướng dẫn cấp dưới kịp thời, làm cho HĐND cấp huyện, cấp xã lúng túng, phải lùi thời gian họp lấy phiếu tín nhiệm.

Đại biểu Quốc hội bỏ phiếu đánh giá tín nhiệm tại kỳ họp thứ 5 năm 2013. Ảnh: TTXVN


Trước tình hình này, Ban Công tác đại biểu của Quốc hội đề nghị Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cùng phối hợp nghiên cứu, sửa đổi một số nội dung của Nghị quyết 35 thật chi tiết, phù hợp với tình hình thực tế. Trong khi chờ đợi nên dừng việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội đầu tiên của năm 2014 đối với chức danh do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, hầu hết những vướng mắc trên đều đã được lường trước khi UBTVQH xây dựng Nghị quyết 35, nhất là việc đánh giá các bộ trưởng, chủ nhiệm các ủy ban của cơ quan lập pháp trên cùng một thang tiêu chí. Qua tìm hiểu tâm tư, ngay cả những người đã từng được lấy phiếu tín nhiệm, kết quả không cao cũng mong chờ đến kỳ lấy phiếu tới để đại biểu Quốc hội và cử tri nhìn nhận, ghi nhận nỗ lực của họ. Tuy nhiên, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với tất cả chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong cơ quan lập pháp cũng không phù hợp. Trên thế giới, các nước chỉ bỏ phiếu tín nhiệm đối với toàn thể nội các hay một vài thành viên nội các chứ không có tiền lệ bỏ phiếu tín nhiệm với chức danh dân cử. Vì vậy, khi sửa Nghị quyết 35 nên xem xét giảm số lượng chức danh được lấy phiếu tín nhiệm đối với cơ quan dân cử. "Cần mạnh dạn nhìn thẳng vào thực tế để xem xét rút kinh nghiệm và có cách giải thích hợp lý"- ông Phùng Quốc Hiển khẳng định.

Cần mốc thời hạn cụ thể

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước: Điểm yếu của công tác lấy phiếu tín nhiệm là chỉ đánh giá được một bộ phận cán bộ chứ không phải toàn bộ. Mặt khác, kết quả lấy phiếu tín nhiệm năm 2013 còn cho thấy, hầu hết cán bộ cơ quan của Quốc hội, HĐND tín nhiệm cao nhưng ở khối hành pháp thì tín nhiệm thấp. Do đó, chỉ nên bỏ phiếu tín nhiệm với khối hành pháp, nơi thường xuyên tiếp xúc với dân để đánh giá mức độ hài lòng của dân với chính quyền, để người dân giám sát công tác điều hành, quản lý của chính quyền địa phương và TƯ. Nhưng cần có bước thay đổi phù hợp để lá phiếu đánh giá được khách quan hơn.

Trao đổi với Báo Hànộimới, một cán bộ thuộc khối tư pháp (đề nghị không nêu tên) cho biết, đã lấy phiếu tín nhiệm thì nên thực hiện trên diện rộng để bảo đảm công bằng trong công tác cán bộ. Dù vậy, việc làm này như vừa qua là một cơ chế chưa có ở bất kỳ nước nào áp dụng. Cuối cùng, những người phiếu thấp hơn không hẳn là những người không làm việc tốt. Nên chăng, hãy đánh giá các chức danh chủ chốt trên cơ sở lấy ý kiến người dân và các cơ quan liên quan đến lĩnh vực họ phụ trách. Nếu trong 2 năm liên tiếp thứ hạng không thay đổi thì Quốc hội mới xem xét mức độ hoàn thành công việc của người đứng đầu. Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm sẽ là cơ sở cho việc miễn nhiệm, bãi miễn người được bầu hoặc phê chuẩn. Hình thức phiếu cũng nên chỉ có hai mức "tín nhiệm" hoặc "không tín nhiệm" chứ đừng thiết kế nhiều mức độ rườm rà, phức tạp, khó đánh giá như hiện nay.

Về vấn đề này, cử tri Quản Thu Trang - phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy nêu ý kiến, Quốc hội đã bàn đi bàn lại nhiều lần mới ra được Nghị quyết 35. Một số bất cập như Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội và dư luận phản ánh nếu để quá lâu càng khó xử lý. Do đó, tạm dừng thực hiện Nghị quyết 35 để sửa đổi lại cho phù hợp là điều cần thiết, nhưng cần đề ra thời hạn cụ thể.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm: Sự điều chỉnh cần thiết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.