(HNMO) - Thông tin từ Bộ Nội vụ cho biết, ngày 26-9, Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Tờ trình Chính phủ và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường thuộc các quận, thị xã của thành phố Hà Nội; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa chủ trì hội thảo.
Đẩy mạnh phân cấp
Theo các dự thảo, Bộ Nội vụ đề xuất thực hiện thí điểm việc không tổ chức HĐND tại 177 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây của thành phố Hà Nội. Thời gian thực hiện thí điểm trong nhiệm kỳ 2021-2026 của HĐND, UBND các cấp, bắt đầu từ ngày 1-6-2021 cho đến khi Quốc hội chấm dứt thực hiện thí điểm. Tại những nơi thực hiện thí điểm, HĐND phường kết thúc nhiệm kỳ 2016-2021 vào ngày 1-6-2021; UBND phường nhiệm kỳ 2016-2021 tiếp tục hoạt động cho đến khi UBND mới được thành lập.
Về tổ chức của UBND phường gồm có chủ tịch, từ 1 đến 2 phó chủ tịch và các ủy viên phụ trách quân sự, công an. Các thành viên UBND phường do chủ tịch UBND quận, thị xã bổ nhiệm, điều động, miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức và bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ.
Cùng với việc đề xuất thí điểm không tổ chức HĐND phường, Bộ Nội vụ cũng đề xuất thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với Hà Nội về kinh tế, quản lý đất đai, đầu tư, tài chính, ngân sách nhà nước, quy hoạch đô thị, xây dựng, đê điều; quy định cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý.
Cụ thể, trong lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch, đầu tư và xây dựng, HĐND thành phố Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A thực hiện theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) thuộc thành phố quản lý. Trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, HĐND thành phố Hà Nội được quyền quyết định bố trí ngân sách thành phố để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức do thành phố quản lý theo hiệu quả công việc, ngoài việc thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm theo quy định của pháp luật hiện hành, với mức không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ. Mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của thành phố do HĐND thành phố Hà Nội quy định.
Trong lĩnh vực đất đai, nông, lâm nghiệp và môi trường, HĐND thành phố Hà Nội quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được cấp có thẩm quyền quyết định; chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, phòng hộ có quy mô trên 20ha sang mục đích khác theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…
Tiếp tục hoàn thiện các dự thảo
Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết xây dựng dự thảo các nghị quyết thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, trong Tờ trình dự thảo nghị quyết cần đánh giá tác động của việc thí điểm liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan liên quan, đến giảm ngân sách, cán bộ, công chức, viên chức. Dự thảo các nghị quyết có liên quan đến các quy định của Luật Ngân sách nhà nước, do đó, các nhiệm vụ của HĐND phường cần được nghiên cứu và chuyển giao cho UBND quận, UBND phường thực hiện theo quy định…
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định, sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp thu, hoàn thiện dự thảo các nghị quyết và trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất và mong muốn dự thảo các nghị quyết sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đề xuất đưa vào kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, nhằm thực hiện đúng lộ trình tại Kết luận số 46-KL/TƯ ngày 19-4-2019 của Bộ Chính trị về Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.
Phát biểu kết thúc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa thống nhất với đề xuất trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV. Đồng chí Nguyễn Trọng Thừa đề nghị các cơ quan có liên quan khẩn trương hoàn thiện các dự thảo, nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu, bảo đảm các văn bản chất lượng, đúng quy định của pháp luật.
Bộ Tư pháp sớm thẩm định dự thảo các nghị quyết trước ngày 29-9 để trình Chính phủ. Văn phòng Quốc hội và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội giúp các thủ tục trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội để kịp với thời gian của kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, diễn ra trong tháng 10-2019.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.