Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề xuất giữ nguyên trách nhiệm chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật

Tiến Thành| 09/01/2020 16:38

(HNMO) - Chiều 9-1-2020, ngay sau khi khai mạc phiên họp thứ 41, với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Toàn cảnh phiên họp.

Về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề trách nhiệm chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.

Phương án 1 là sửa đổi theo hướng giao cơ quan trình dự án chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh; cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan trình trong việc tiếp thu, chỉnh lý.

Phương án 2 cơ bản như hiện nay là giao cơ quan thẩm tra chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh; cơ quan trình phối hợp với cơ quan thẩm tra trong việc tiếp thu, chỉnh lý.

Về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến nhất trí với quy định hiện hành để bảo đảm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan liên quan.

Đồng tình với phương án 2, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, từ khi Quốc hội áp dụng quy định giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật như hiện hành, số lượng luật được ban hành nhiều hơn, chất lượng luật được nâng lên. Việc bất cập của quy định này dẫn đến phải bổ sung, sửa đổi luật là do quá trình thực hiện chưa tốt, chưa nghiêm, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Quốc hội có chức năng xây dựng luật, còn trình dự án luật là trách nhiệm của Chính phủ và cần làm rõ hơn quy trình và sự phối hợp trong thực hiện quy trình này.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, về trách nhiệm chủ trì giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, ý kiến chung trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với phương án đề xuất tiếp tục quy định cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật như hiện nay và bổ sung một số quy định nhằm xác định rõ hơn trong luật trách nhiệm của từng cơ quan trong giai đoạn tiếp thu, chỉnh lý.

“Đây là phương án tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội và thực chất là phương án 2 do Chính phủ trình trong kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV đã có bổ sung”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói.

Về việc lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên như hiện hành nhưng có bổ sung, sửa đổi cho linh hoạt, hợp lý hơn. Theo đó, trong hồ sơ chương trình không chỉ có dự thảo đề cương của dự án luật mà phải có đề cương chi tiết.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng giao Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Bộ Tư pháp phối hợp nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến, chuẩn bị tốt dự án luật để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất giữ nguyên trách nhiệm chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.