(HNM) - Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia đang được lấy ý kiến với 3 phương án điều chỉnh khung giờ cấm bán rượu, bia: 1- Quy định thời gian được bán rượu, bia từ 11h đến 14h và từ 17h đến 22h hằng ngày,
Tình trạng lạm dụng rượu, bia dẫn đến nhiều hệ lụy về kinh tế - xã hội. Ảnh: Trung Kiên |
Ông Đặng Văn Hòa - Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Tam Dương: Khó kiểm tra, giám sát
Nếu mục tiêu của Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia là ngăn chúng không gây hại cho người tiêu dùng, thì phương pháp quản lý việc bán rượu, bia theo giờ là không hiệu quả. Để hạn chế được tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe người dùng, chúng ta phải thực hiện bằng nhiều cách: Quản lý việc sản xuất, nhập khẩu… bia, rượu ngay từ đầu vào; kiểm soát chất lượng của các sản phẩm này khi bày bán trên thị trường, trước khi đến tay người tiêu dùng; tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân không lạm dụng rượu, bia; xử phạt nặng những trường hợp sản xuất, kinh doanh rượu bia giả, kém chất lượng…
Việc cấm bán mặt hàng này theo giờ thoạt nghe có vẻ có chế tài đủ mạnh, song thực chất rất thiếu tính khả thi và không hiệu quả. Cả người bán và người dùng hoàn toàn có thể “lách luật” bằng cách cung cấp và sử dụng “né” giờ cấm, song lại sử dụng và bán nhiều hơn vào các khung giờ cho phép.
Ông Hà Văn Lâm, chung cư CT9 - Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên: Người bán và người mua đều dễ lách luật…
Theo thống kê của Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát, hiện có khoảng 200 triệu lít rượu nấu thủ công, rượu lậu và khoảng 28% sản lượng bia, rượu đang tiêu thụ trên thị trường là bất hợp pháp. Nếu Bộ Y tế chỉ đưa ra khung giờ cấm sử dụng, kinh doanh mà không có cách thức quản lý hiệu quả về chất lượng với mặt hàng đặc biệt này, chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh làm ăn nghiêm túc thì bị thiệt, trong khi những cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh nhỏ lẻ, phạm pháp lại có lợi.
Về phía người tiêu dùng, họ sẽ tìm tới những loại rượu, bia không đạt chuẩn để sử dụng sau giờ cấm. Chưa kể, việc áp dụng khung giờ cấm sẽ khiến nhiều vùng, miền đang phát triển loại hình kinh doanh du lịch dịch vụ và các ngành công nghiệp phụ trợ (như khách sạn, nhà hàng, quán bar)… bị ảnh hưởng lớn.
Vì vậy, thay vì quy định khung giờ cho mặt hàng này, theo tôi, ngoài phương án đánh thuế thật cao, cần quản lý chặt chẽ chất lượng nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra của các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng này. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để mỗi người dân hiểu và chấm dứt việc lạm dụng rượu, bia, nhất là những sản phẩm kém chất lượng.
Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty Luật Basico: Cần chú trọng kiểm soát việc thực hiện luật
Hiện, việc cấm bán rượu đã được quy định với hình thức phạt khá nặng, nhưng kiểm soát việc thực thi còn nhiều bất cập dẫn đến tình trạng lạm dụng rượu, bia vẫn phổ biến. Luật ban hành ra cần chế tài kiểm soát như thế nào để thực sự phát huy hiệu quả trong cuộc sống.
Đơn cử quy định kiểm soát rượu, bia bảo đảm an toàn giao thông với thông điệp “đã uống rượu, bia thì không lái xe” cơ bản được phần lớn lái xe chấp hành tốt mà chưa cần đến quy định bán rượu, bia theo giờ vì nếu bị cảnh sát giao thông phát hiện người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong máu sẽ bị xử phạt theo quy định của Luật Giao thông đường bộ. Mức phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe nên bảo đảm tính răn đe, ngăn ngừa hành vi vi phạm. Theo tôi, phải kiểm soát hành vi bị cấm mới tăng hiệu quả thực hiện luật.
Ông Trịnh Thanh Phong, Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, quận Cầu Giấy: Quản lý bán lẻ rượu, bia còn lỏng lẻo
Kết quả thống kê cho thấy Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á, thứ 29 thế giới về “kỷ lục” uống bia. Năm 2017, lượng bia các loại tiêu thụ trên cả nước đạt 4 tỷ lít, ước tính mỗi người dân Việt Nam uống gần 43 lít bia/năm. Tình trạng uống rượu, bia ở mức nguy hại đang là thách thức lớn ở Việt Nam. Hầu hết các hộ gia đình đều có người uống rượu, bia trong 12 tháng và trong đó có 40% hộ gia đình có ít nhất một người uống ở mức nguy hại...
Công tác quản lý bán lẻ rượu, bia đến người tiêu dùng không hiệu quả, lỏng lẻo. Bất cứ địa điểm, cơ sở nào cũng sẵn có rượu, bia để bán cho người dân từ các quán rượu, siêu thị, cửa hàng tạp hóa, khách sạn, nhà hàng ăn uống, cửa hàng giải khát, kinh doanh ăn uống, quán nước vỉa hè. Không có bất cứ sự hạn chế nào về thời gian bán, số lượng rượu được phép bán để uống tại chỗ. Điều này dẫn đến hệ lụy là rượu, bia ở Việt Nam sẵn có và dễ tiếp cận nhất thế giới.
Thiết nghĩ, để luật có hiệu lực thực thi trong cuộc sống cần khắc phục được những hạn chế, bất cập về quản lý nhà nước như: Thực hiện đồng bộ các biện pháp kiểm soát nguồn cung, giảm mức tiêu thụ bằng cách khuyến khích toàn xã hội tham gia tích cực vào việc phòng, chống tác hại của rượu, bia...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.