(HNMO) - Từ vụ ngộ độc thực phẩm khiến 72 học sinh Trường Tiểu học Kim Giang phải nhập viện, UBND thành phố Hà Nội đã ra văn bản nêu rõ, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm trên địa bàn quản lý.
Giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn
Ngày 30-3, UBND thành phố Hà Nội có Văn bản số 891/UBND-KGVX gửi Sở Y tế; Sở Công Thương; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Giáo dục và Đào tạo; UBND các quận, huyện, thị xã về việc tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm.
Theo đó, UBND thành phố nhận được báo cáo của Sở Y tế về kết quả điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm tại Trường Tiểu học Kim Giang, phường Kim Giang, quận Thanh Xuân.
Theo báo cáo của Sở Y tế, cơ quan chức năng đã tiến hành lấy 15 mẫu thức ăn gửi đến Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia. Kết quả ban đầu, 72 học sinh Trường Tiểu học Kim Giang bị ngộ độc thực phẩm do bữa ăn trưa ngày 28-3. Thức ăn gây ngộ độc là món gà phi lê chiên xù nhiễm vi khuẩn tụ cầu.
Về việc này, UBND thành phố yêu cầu Sở Y tế (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố) chủ trì, phối hợp với quận Thanh Xuân, huyện Gia Lâm tiếp tục xác minh nguyên nhân, làm rõ nguồn gốc thực phẩm ngộ độc tại Trường Tiểu học Kim Giang. Đồng thời, giám sát, theo dõi diễn biến của vụ ngộ độc thực phẩm cho đến khi kết thúc, kịp thời thông tin vụ việc bảo đảm đúng quy định, báo cáo UBND thành phố.
UBND thành phố cũng yêu cầu Sở Y tế thành phố chủ trì phối hợp với Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND quận, huyện, thị xã, các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm. Nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.
Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, vệ sinh cơ sở, vệ sinh dụng cụ, vệ sinh cá nhân, nguồn gốc nguyên liệu đưa vào sản xuất, chất lượng sản phẩm…; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm.
Tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục
Cũng tại Văn bản số 891, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm các quy định về sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Cụ thể, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường chú trọng nguồn gốc, nhãn mác sản phẩm, chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, nhất là tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại theo chức năng, nhiệm vụ của ngành.
“Trong đó, tập trung kiểm tra việc kinh doanh, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lưu thông trên địa bàn như tại chợ đầu mối, cơ sở chế biến, cơ sở giết mổ... Mặt khác, duy trì và tăng cường kiểm tra tại các chốt kiểm dịch liên ngành đầu mối giao thông để kiểm soát động vật, sản phẩm động vật chuyển vào thành phố”, UBND thành phố nêu rõ.
Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND thành phố đề nghị phối hợp UBND quận Thanh Xuân chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, Trường Tiểu học Kim Giang thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn thực phẩm, phối hợp với các cơ quan chuyên môn giám sát, phát hiện bệnh nhân mới, theo dõi sức khỏe của học sinh tại nhà trường, khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ ngộ độc thực phẩm thì báo cáo theo quy định.
Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo các trường học tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục các cơ quan liên quan; tổ chức tuyên truyền, tập huấn, giáo dục kiến thức về an toàn thực phẩm cho người tham gia chế biến thực phẩm, giáo viên, phụ huynh và học sinh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục có tổ chức bếp ăn bán trú, không để xảy ra các vụ việc đáng tiếc.
Riêng với UBND quận Thanh Xuân, UBND thành phố yêu cầu các cơ quan chức năng của quận phối hợp các bệnh viện đang điều trị bệnh nhân, phát hiện sớm các bệnh nhân mới, tiếp tục theo dõi, giám sát sức khỏe bệnh nhân, kịp thời động viên và huy động các nguồn lực hỗ trợ gia đình bệnh nhân yên tâm điều trị. Đồng thời, yêu cầu bếp ăn tập thể Trường Tiểu học Kim Giang tạm thời dừng hoạt động để khắc phục ngộ độc thực phẩm; kiểm tra, rà soát toàn bộ quy trình từ khâu nhập nguyên liệu, chế biến, bảo quản, chia suất ăn, vận chuyển thực phẩm và xác định nguyên nhân xảy ra ngộ độc thực phẩm liên quan đến quy trình thực hiện.
Từ sự việc trên, UBND thành phố yêu cầu các quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Kế hoạch số 336/KH-UBND ngày 21-12-2022 của UBND thành phố về công tác an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội năm 2023. Trong đó, tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể tại các trường học, cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cao, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm và tiêu hủy các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định và các hành vi vi phạm theo thẩm quyền. Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm trên địa bàn quản lý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.