(HNM) - Gần đây, thương mại điện tử đã trở thành kênh bán hàng quan trọng đối với các doanh nghiệp. Đây được coi là lĩnh vực sôi động nhất trong thị trường kinh tế số Việt Nam, hấp dẫn cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Thực tế, cộng đồng doanh nghiệp của Việt Nam đã chuyển mình theo xu hướng chung của thế giới trong lĩnh vực thương mại điện tử bởi đó là kênh phát triển nhiều tiềm năng. Không chỉ những công ty khởi nghiệp, mà ngay cả những thương hiệu lớn như Trung Nguyên, Biti's... cũng đều tính đến "bài toán" này trong phát triển thương mại toàn cầu. Bộ Công thương cũng đã tạo môi trường thuận lợi, triển khai các nền tảng như: Hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia KeyPay; tổ chức Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam Online Friday... để thúc đẩy thương mại điện tử Việt Nam phát triển. Và năm 2020, dịch Covid-19 chính là yếu tố kích đẩy, giúp thương mại điện tử càng có sức hút lớn. Điều này thể hiện qua con số trong năm vừa qua, có khoảng 53% dân số tham gia mua sắm trực tuyến; doanh thu từ thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng 18%, đạt 11,8 tỷ USD...
Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp không nhỏ của thương mại điện tử vào sự tăng trưởng của nền kinh tế thì lĩnh vực này vẫn bộc lộ không ít hạn chế, như: Hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ; cách thức mua hàng trực tuyến ở một số sàn thương mại điện tử còn phức tạp khiến người tiêu dùng khó tiếp cận; lòng tin của người tiêu dùng vào mua bán trực tuyến còn thấp do chất lượng một số sản phẩm không đúng như quảng cáo...
Dự báo năm 2021, thương mại điện tử tại Việt Nam tiếp tục phát triển, trong đó Hà Nội là một trong hai thành phố dẫn đầu cả nước về chỉ số tăng trưởng trong lĩnh vực này. Để đạt mục tiêu đến năm 2025 có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến; doanh số thương mại điện tử tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD… ngay từ bây giờ, các cấp, ngành cũng như các doanh nghiệp cần thực hiện tốt những nhóm giải pháp đề ra tại Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025”. Trong đó, đặc biệt lưu tâm đến việc hoàn thiện và nâng cao hạ tầng công nghệ, hạ tầng dịch vụ vận chuyển, giao nhận hàng hóa trong thương mại điện tử.
Thương mại xuyên biên giới là lĩnh vực mới phát triển tại nước ta, nhân lực cho lĩnh vực này còn thiếu và yếu. Do đó, việc đào tạo nhân sự nhằm bổ sung cho các doanh nghiệp cũng như nâng cao năng lực quản lý cần được đẩy mạnh; đồng thời, phát triển các sản phẩm, giải pháp công nghệ số gắn với hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương về chuyển đổi số, chú trọng đối tượng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, các địa phương vùng sâu, vùng xa.
Đặc biệt, cần đa dạng hình thức thanh toán, tập trung phát triển các tiện ích thanh toán trên nền tảng di động, ví điện tử…; tổ chức nhiều hơn nữa ngày hội mua sắm trực tuyến trên quy mô cả nước để thu hút ngày càng đông doanh nghiệp, người tiêu dùng tham gia. Bên cạnh đó, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các doanh nghiệp bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên các sàn giao dịch trực tuyến, từ đó tiếp tục xây dựng thị trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao lòng tin của người tiêu dùng. Để làm được điều này, bản thân các doanh nghiệp phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chú trọng xây dựng hình ảnh, thương hiệu, không chấp nhận các hình thức kinh doanh chộp giật...
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, chắc chắn thương mại điện tử của Việt Nam sẽ không ngừng phát triển, giúp mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.