Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để nhân dân đón Tết an toàn

Việt Tuấn| 13/02/2018 07:21

(HNM) - Ngành Quản lý thị trường thành phố đã bám sát địa bàn, tăng cường phối hợp, kiểm tra, xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm, hàng kém chất lượng, hàng lậu, nhất là mặt hàng rượu tại các làng nghề… nhằm bảo đảm cho nhân dân đón Tết an toàn.

Đây là đánh giá của các ban HĐND TP Hà Nội qua đợt giám sát về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm vừa được tiến hành trên địa bàn thành phố dịp Tết Nguyên đán 2018.


Các ban HĐND TP Hà Nội khảo sát thị trường dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 tại phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm.


Căng sức chống hàng giả, kém chất lượng

Gần Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ, lưu thông hàng hóa tăng cao. Đây cũng là thời điểm các đối tượng vi phạm gia tăng các hoạt động buôn lậu, kinh doanh hàng cấm, sản xuất hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm, kém chất lượng. Nắm rõ “quy luật” này, ngay từ đầu tháng 12-2017, Chi cục Quản lý thị trường TP Hà Nội đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm tình trạng buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, các đội quản lý thị trường cũng tập trung kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm. Trong đó, lực lượng chức năng đặc biệt chú trọng kiểm tra về nguyên liệu sản xuất, chế biến thực phẩm như, bánh, mứt, kẹo, rượu, nước giải khát…

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP Hà Nội Nguyễn Công Sang, chỉ trong 2 tháng gần đây, lực lượng quản lý thị trường thành phố đã kiểm tra, xử lý 2.244 vụ vi phạm, xử phạt với tổng số tiền hơn 33 tỷ đồng. Ngoài ra, để ngăn ngừa các vụ ngộ độc do lạm dụng, sử dụng rượu không rõ nguồn gốc như thời gian vừa qua, đơn vị còn tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, phục kích xuyên đêm nhằm phát hiện, xử lý vi phạm trong buôn bán, vận chuyển, tích trữ rượu; bắt và tiêu hủy hàng nghìn lít rượu không bảo đảm, không có nguồn gốc trên địa bàn thành phố.

Dù vậy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP Hà Nội Nguyễn Công Sang cho hay, do chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe nên nhiều đối tượng sẵn sàng vi phạm vì lợi nhuận từ việc buôn bán, vận chuyển, sản xuất, lưu thông hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Cùng với đó, công tác phối hợp trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng trong và ngoài ngành Quản lý thị trường; giữa các lực lượng chức năng thành phố và các tỉnh khác ở một số thời điểm còn thiếu thường xuyên, chưa tin tưởng lẫn nhau dẫn đến hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý chưa cao… Trong khi đó, một bộ phận người tiêu dùng có tâm lý thích dùng hàng ngoại nên vẫn có nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm, hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Tuyên truyền, nâng cao ý thức người tiêu dùng

Để bảo đảm cho nhân dân được đón Tết an toàn, các thành viên Ban Pháp chế, Ban Văn hóa - Xã hội, Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Đô thị HĐND thành phố cho rằng, cùng với tăng cường xử lý vi phạm, Chi cục Quản lý thị trường thành phố cần phối hợp với các cấp, các ngành tích cực thông tin, tuyên truyền nâng cao ý thức người tiêu dùng trong việc chống hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Giải pháp quan trọng chính là việc thuyết phục người tiêu dùng hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Ngoài tổ chức cho các đơn vị, cá nhân kinh doanh ký cam kết không buôn lậu, không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, ngành Quản lý thị trường thành phố cần tăng cường công tác quản lý địa bàn, lập kế hoạch kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, tránh gây khó khăn, phiền hà và làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh của đối tượng kiểm tra. “Trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Chi cục Quản lý thị trường thành phố cần đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát xử lý các vi phạm ở khu vực ngoại thành, chợ đầu mối. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm tới mặt hàng rượu, bia, thực phẩm và pháo nổ” - Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh.

Phó Giám đốc Sở Công Thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, thời gian tới, ngành sẽ nâng cao hiệu quả công tác “trinh sát” về các hoạt động buôn lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả để có biện pháp xử lý kịp thời. Đặc biệt, thực hiện chủ đề công tác “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018”, những vụ việc lớn, phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, ngành, địa phương…, Chi cục sẽ tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 thành phố để chỉ đạo các ngành, lực lượng cùng vào cuộc xử lý hiệu quả.

Trong tháng cao điểm kiểm tra, kiểm soát, phòng chống buôn lậu, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Chi cục Quản lý thị trường TP Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 574 vụ buôn bán hàng nhập lậu; 22 vụ hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu; 60 vụ buôn bán rượu không rõ nguồn gốc; 315 vụ buôn bán hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ; 306 vụ liên quan đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm..., xử phạt với tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để nhân dân đón Tết an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.