(HNM) - Với việc tiếp cận nguồn tín dụng nông nghiệp ngày càng thuận lợi, nhiều nông dân, cơ sở sản xuất ở khu vực nông thôn đã có nguồn vốn ổn định để phát triển, nâng cao thu nhập. Tuy vậy, xét về nhu cầu cũng như bối cảnh mở rộng quy mô đầu tư hiện nay,
Khách quan cho thấy, sản xuất nông nghiệp luôn là lĩnh vực đối mặt nhiều rủi ro như thiên tai, dịch bệnh, "được mùa - mất giá", "bí đầu ra", trong khi bảo hiểm nông nghiệp chưa phát triển... Vì vậy, ở góc độ ngân hàng, việc phải đánh giá, thẩm định kỹ lưỡng trước khi chấp thuận một món vay lĩnh vực nông nghiệp là rất cần thiết, bảo đảm tính an toàn, minh bạch và hiệu quả tín dụng. Tuy nhiên, cái khó của người nông dân cũng xuất phát từ đây, bởi những điều kiện vay vốn "ngặt nghèo" nhiều khi đã làm mất đi cơ hội mở rộng sản xuất, kinh doanh. Những khó khăn cụ thể đó là món vay trị giá thấp, không đáp ứng được suất đầu tư; phải có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, tài sản thế chấp đáp ứng yêu cầu; chưa được định giá tài sản trên đất nông nghiệp...
Để tháo gỡ những vấn đề nêu trên, việc tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách về tín dụng nông nghiệp, nông thôn phải được coi là nhiệm vụ ưu tiên của các cấp, ngành chức năng. Đặc biệt, trên bình diện rộng, tín dụng ngân hàng là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, thì việc hỗ trợ nông dân tiếp cận nguồn vốn thuận lợi, sẽ là "bàn đạp" góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.
Trước hết, câu chuyện tài sản tín chấp cần được tính toán từ nhiều phía, ở các góc độ khác nhau để nông dân có thể tiếp cận nguồn tín dụng. Thực tế, nếu thông tin minh bạch, đáng tin cậy thì các ngân hàng cho vay tín chấp; ngược lại, việc cho vay tín chấp sẽ cực kỳ rủi ro. Do vậy, cần hỗ trợ để người dân hiểu hơn về kỹ năng, kiến thức liên quan tài chính ngân hàng để sử dụng đồng vốn hiệu quả, an toàn. Hơn nữa, để vay được vốn của ngân hàng bằng tín chấp, nông dân nên thuê đơn vị tư vấn xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khả thi; đồng thời, có sự phối hợp với ngân hàng cùng thẩm định dự án... Cùng với đó, cán bộ ngân hàng, bên cạnh chuyên môn vững, cần trau dồi, nâng cao kiến thức, khả năng thẩm định dự án sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, nông thôn. Những yếu tố này rất quan trọng để "hai bên gặp được nhau", cùng hướng tới mục đích giải ngân món vay theo quy định, giúp nguồn vốn phát huy hiệu quả trong thực tế.
Thứ hai, cùng với việc tiếp tục xây dựng quy trình, thủ tục hồ sơ vay vốn công khai, minh bạch, đa dạng món vay để người dân dễ dàng tiếp cận, các tổ chức tín dụng cần chủ động phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng để bảo đảm sử dụng đồng vốn đúng mục đích. Đồng thời cần xác định trọng tâm, ưu tiên nguồn vốn tín dụng cho các sản phẩm chủ lực, lĩnh vực như nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dự án theo chuỗi liên kết giá trị sản phẩm...
Thứ ba, để giảm rủi ro, có chính sách tín dụng tốt, ngành Nông nghiệp và các địa phương cần quy hoạch nhóm ngành, vùng sản xuất cụ thể, có sự liên kết, trên cơ sở đó việc tiếp cận tín dụng sẽ dễ dàng, bền vững. Bởi thực tế đã xảy ra câu chuyện sản xuất theo kiểu "mạnh ai, nấy làm", dẫn đến tình trạng dư thừa sản phẩm, không bán được hàng và phát sinh nợ xấu.
Để nhà nông không lỡ cơ hội làm giàu, rất cần sự tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa về chính sách tín dụng. Chỉ khi có sự vào cuộc tích cực của ngành Ngân hàng, hệ thống chính trị ở địa phương, việc này mới đạt hiệu quả như mong muốn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.