Chính trị

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Các cấp Hội Nông dân Việt Nam cần đổi mới phương thức hoạt động để ngang tầm nhiệm vụ, đủ sức đồng hành, hỗ trợ nông dân

Bạch Thanh 26/12/2023 10:55

Sáng 26-12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028 đã khai mạc trọng thể.

Đại hội vinh dự được đón các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; các nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai...

Dự Đại hội còn có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương...

Về phía thành phố Hà Nội, dự Đại hội có Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong.

Đặc biệt, tham dự Đại hội có 995 đại biểu chính thức, là những cán bộ, hội viên nông dân tiêu biểu, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và trí tuệ của hơn 10 triệu cán bộ, hội viên nông dân cả nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Đại hội. Ảnh: Viết Niệm
26-12-hndvn3.jpg
Các đại biểu tham dự Đại hội.

Sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng đối với Hội Nông dân Việt Nam

Phát biểu khai mạc Đại hội, đồng chí Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam khóa VII cho biết: Giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam rất vui mừng, phấn khởi đón nhận Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20-12-2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, đúng vào dịp Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, long trọng khai mạc.

Trên cơ sở tổng kết thực tiễn quá trình hoạt động, tại Đại hội lần này, với tinh thần tự phê bình nghiêm túc, nêu cao trách nhiệm trước toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân cả nước, các đại biểu sẽ thảo luận, đánh giá đúng mức, khách quan, toàn diện những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, khuyết điểm và rút ra những bài học kinh nghiệm qua việc thực hiện Nghị quyết Đại hội VII Hội Nông dân Việt Nam, nhiệm kỳ 2018-2023.

26-12-hnd-vn5.jpg
Đồng chí Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam khóa VII, thay mặt Đoàn Chủ tịch khai mạc Đại hội. Ảnh: Viết Niệm

Đồng thời, Đại hội nghiêm túc bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, nhất là Nghị quyết số 46-NQ/TW, thảo luận và quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ hoạt động cho nhiệm kỳ 2023-2028. Đại hội cũng thảo luận, sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Đồng chí Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh: Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028 diễn ra trong bối cảnh đất nước đang đứng trước nhiều thời cơ và thách thức đan xen; toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiều chủ trương, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thực hiện "khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc".

26-12-hnd-4.jpg
Đoàn Chủ tịch Đại hội Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII. Ảnh: Viết Niệm

Vì vậy, đặt ra yêu cầu đối với các cấp Hội Nông dân Việt Nam phải tiếp tục xây dựng, củng cố tổ chức Hội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động; đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Hội; làm tốt vai trò đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân, cầu nối giữa nông dân với Đảng, Nhà nước; phát huy vai trò tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, khối đại đoàn kết toàn dân tộc và liên minh "công nhân - nông dân - trí thức".

Trong đó, phát huy vai trò nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Thay mặt Đoàn Chủ tịch, đồng chí Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam khóa VII trình bày tóm tắt dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII.

Báo cáo nêu rõ: Trong nhiệm kỳ 2018-2023, công tác xây dựng tổ chức Hội có nhiều đổi mới và chuyển biến tích cực, đa dạng hình thức tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, khơi dậy khát vọng vươn lên của hội viên, nông dân.

Trong đại dịch Covid-19, các cấp Hội đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, như chương trình "Triệu phần quà, nghìn tấn nông sản nghĩa tình", hỗ trợ thu hoạch, kết nối tiêu thụ nông sản, góp phần cùng cả nước vượt qua đại dịch Covid-19, củng cố vững chắc niềm tin của nông dân với Đảng, Nhà nước.

26-12-hndvn32.jpg
Đồng chí Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam trình bày tóm tắt dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII. Ảnh: Viết Niệm

Tổ chức bộ máy các cấp Hội tiếp tục được củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động. Vai trò của Hội trong xây dựng giai cấp nông dân ngày càng được khẳng định, góp phần nâng cao nhận thức chính trị, trình độ và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân.

Công tác vận động nông dân phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững đi vào thực chất, hiệu quả. Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" đã trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế, xã hội ở nông thôn. Công tác đào tạo và phối hợp đào tạo nghề được đẩy mạnh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hội viên, nông dân.

Hoạt động hỗ trợ vốn cho nông dân nâng cao hiệu quả sử dụng, thiết thực, giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên khá giàu, khởi nghiệp thành công. Cả nước xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, nhiều nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi có mức thu nhập cao...

Các cấp Hội đã tập trung hỗ trợ, hướng dẫn hội viên xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình trang trại tổng hợp, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả. Vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, thực hiện nếp sống văn minh; tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới"; phối hợp tổ chức tuần tra bảo vệ đường biên, mốc giới, xây dựng và duy trì "Điểm sáng vùng biên", vận động ngư dân bám biển sản xuất gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo; tuyên truyền, vận động nông dân tham gia "Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", xây dựng và duy trì các mô hình tự quản về an ninh trật tự ở nông thôn, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh....

Theo đồng chí Bùi Thị Thơm, nhiệm kỳ 2023-2028, các cấp Hội và cán bộ, hội viên nông dân phải phát huy tinh thần "Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Hợp tác - Phát triển"; bám sát Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20-12-2023 của Bộ Chính trị, tập trung xây dựng Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh; phát huy vai trò nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Trong đó, phấn đấu thực hiện 5 mục tiêu: Xây dựng Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ Hội đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết nông dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân ngày càng được nâng cao cùng với sự phát triển của đất nước; đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh gắn với bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân.

Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả các phong trào nông dân; hỗ trợ nông dân khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã.

Xây dựng người nông dân văn minh, giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm xã hội, tôn trọng pháp luật và nếp sống văn minh; nâng cao trình độ, năng lực, khơi dậy khát vọng vươn lên của nông dân để phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, nông thôn hiện đại, phồn vinh.

Nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hoạt động đối ngoại nhân dân.

Để thực hiện phương hướng, mục tiêu trên, trong nhiệm kỳ 2023-2028 các cấp Hội tập trung thực hiện 17 chỉ tiêu chủ yếu; 3 nhiệm vụ đột phá: Đổi mới mạnh mẽ phương thức tập hợp, đoàn kết nông dân; Tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp; Nâng cao trình độ, kỹ năng cho nông dân và cán bộ Hội các cấp...

Hội Nông dân Việt Nam xứng đáng là lực lượng chính trị vững chắc của Đảng, Nhà nước

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt chúc mừng, trân trọng biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của giai cấp nông dân và của các cấp Hội Nông dân trong cả nước.

Tổng Bí thư cảm ơn sự giúp đỡ đầy thiện chí, hợp tác có hiệu quả của các tổ chức nông dân trên thế giới và bạn bè quốc tế đối với Hội Nông dân Việt Nam và sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của nước ta.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước đánh giá cao những đóng góp quan trọng của nông dân trong sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước, góp phần vào sự thành công của công cuộc xây dựng nông thôn mới, đưa ngành nông nghiệp, kinh tế nông thôn ngày càng trở thành trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế quốc dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.

Tổng Bí thư chỉ rõ, mặc dù đã có nhiều cố gắng, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhưng công tác Hội và phong trào nông dân vẫn chưa bắt kịp yêu cầu của thực tiễn tình hình đất nước, chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của xã hội công nghệ và hội nhập quốc tế sâu rộng. Hoạt động của các cấp Hội ở một số nơi còn chậm đổi mới, hiệu quả chưa cao; dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ, đào tạo nghề quy mô còn nhỏ, chưa đa dạng.

tbt-26-12.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội.

Việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của nông dân có lúc, có nơi chưa kịp thời. Việc phổ biến, thông tin cho hội viên, nông dân về chính sách nhập khẩu của các nước, của thị trường quốc tế, vận động, thu hút các nguồn lực quốc tế hỗ trợ nông dân, nông thôn còn hạn chế.

Việc tham gia giám sát, phản biện xã hội hiệu quả chưa cao. Một bộ phận cán bộ Hội còn chậm đổi mới tư duy; trình độ, năng lực chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Phong trào nông dân phát triển chưa đồng đều; sự hợp tác, liên kết sản xuất, kinh doanh còn thiếu bền vững. An ninh nông thôn một số nơi còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Trong bối cảnh phát triển nền nông nghiệp sinh thái, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, nông dân cần có những thay đổi trong tư duy và hành động để thực sự là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Trong xu thế số lượng nông dân làm nông nghiệp giảm và già hóa, lao động dư thừa ở các đô thị, khu công nghiệp sẽ di chuyển về nông thôn tìm sinh kế từ nông nghiệp. Do đó, các cấp Hội Nông dân Việt Nam cần đổi mới phương thức hoạt động để ngang tầm với nhiệm vụ; đủ sức đồng hành, giúp sức, hỗ trợ nông dân trong 5 năm tới và xa hơn nữa trong xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh, cùng cả nước hướng tới mục tiêu trở thành một nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và là nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Tổng Bí thư đề nghị các cấp Hội Nông dân tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hội; xây dựng Hội Nông dân Việt Nam ngày càng vững mạnh, thực sự là tổ chức đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân; phát huy thật tốt vai trò là trung tâm, nòng cốt cho phong trào nông dân, là cầu nối giữa nông dân với Đảng, Nhà nước; là nhân tố tích cực trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, liên minh "công nhân - nông dân - trí thức"; chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, đối ngoại nhân dân.

Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội phải đáp ứng được yêu cầu nâng cao trình độ, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân cùng với sự phát triển của đất nước; phát huy vai trò nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, tăng cường dân chủ ở cơ sở, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tích cực hội nhập quốc tế, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.

Đổi mới phương thức hoạt động, vận động, tập hợp nông dân

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các cấp Hội tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả, sáng tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ Hội Nông dân các cấp bảo đảm số lượng, chất lượng, đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là ở cơ sở. Cán bộ Hội các cấp nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực về hội nhập, hợp tác quốc tế, kỹ năng nghiệp vụ; gắn đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị với nghiệp vụ công tác Hội Nông dân; quan tâm đến đối tượng chi hội trưởng chi hội nông dân, nâng cao chất lượng hội viên, củng cố cơ sở Hội vững mạnh.

Các cấp Hội cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở; đa dạng hóa công tác tuyên truyền, khơi dậy ý chí, khát vọng của nông dân gắn với các hoạt động thiết thực của Hội...

26-12-doan-chu-tich(1).jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham gia Đoàn Chủ tịch Đại hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu tăng cường tham gia đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho nông dân và lao động nông thôn; tuyên truyền, vận động nông dân tham gia học nghề; tư vấn về nghề nghiệp, việc làm, thành lập doanh nghiệp, trang trại và cơ sở sản xuất, kinh doanh. Các cấp Hội làm tốt vai trò là đầu mối, phối hợp tổ chức truyền thông và tham gia tập huấn, đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với các mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; tổ chức tốt hoạt động cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp, hỗ trợ nông dân đầu tư cho sản xuất, nuôi trồng, chăn nuôi...

Các cấp Hội cần tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, tập trung vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã; triển khai có hiệu quả các mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị.

Các cấp Hội Nông dân phải tích cực tham gia thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nâng cao nhận thức, vận động, hướng dẫn nông dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, thông minh, ứng dụng Công nghệ số...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả tham gia giám sát và phản biện xã hội của Hội Nông dân các cấp, nhất là nội dung liên quan về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tham gia giám sát hoạt động của chính quyền, thực hiện công vụ của đảng viên, cán bộ, công chức. Hội Nông dân các cấp phát huy quyền làm chủ của nông dân ở cơ sở, tham gia giải quyết, hòa giải những mâu thuẫn trong nội bộ nông thôn, giải quyết những khó khăn, bức xúc của nông dân, giữ gìn sự đoàn kết; tích cực tham gia xây dựng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tuyên truyền, vận động nông dân, ngư dân tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập dân tộc và toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo của đất nước.

Các cấp Hội Nông dân chủ động, tích cực tham gia hội nhập và mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách phát triển đất nước và đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, những thành tựu trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước, những giá trị văn hóa của con người và đất nước Việt Nam đến các tổ chức, đối tác, bạn bè quốc tế.

Các cấp Hội Nông dân cần tăng cường phối hợp và thực hiện có hiệu quả hơn nữa các chương trình phối hợp với các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp; tiếp tục đổi mới phong cách, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp, lấy sự gương mẫu của mỗi đồng chí ủy viên làm nền tảng, tập trung dân chủ là nguyên tắc, vận động, thuyết phục là phương thức hoạt động; nêu cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, nhất là người đứng đầu Hội Nông dân các cấp.

Tổng Bí thư đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần quán triệt thật sâu sắc, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tích cực phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các cấp Hội Nông dân Việt Nam hoạt động hiệu quả, thực hiện thật tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng như các hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân trong thời gian tới.

Thay mặt Đoàn Chủ tịch, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn đề nghị Đại hội nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến phát biểu chỉ đạo, định hướng, giao nhiệm vụ của đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đồng thời, giao Ban Chấp hành Trung ương Hội khoá VIII cụ thể hoá ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, xem đó là định hướng, giải pháp để vận dụng, cụ thể hoá vào các nghị quyết, chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện trong suốt nhiệm kỳ 2023-2028 và các nhiệm kỳ tiếp theo.

Chiều nay, Đại hội XIII Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục với các nội dung: Bầu cử Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VIII, nhiệm kỳ 2023-2028; thông qua Đề án bầu cử Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VIII, nhiệm kỳ 2023-2028; thảo luận và biểu quyết danh sách nhân sự giới thiệu bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VIII, nhiệm kỳ 2023-2028; công bố kết quả bầu cử Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VIII; Hội nghị phiên thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Hội Hội Nông dân Việt Nam khóa VIII…

Tham dự Đại hội VIII, Đoàn đại biểu Hội Nông dân thành phố Hà Nội gồm 25 đại biểu. Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đã tới dự Đại hội và tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tiêu biểu Hà Nội.

26-12-hnd-ha-noi3.jpg
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong tham quan gian trưng bày sản phẩm OCOP tiêu biểu của Hà Nội tại Đại hội.
26-12-hnd-ha-noi1.jpg
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chụp ảnh lưu niệm với Đoàn đại biểu Hội Nông dân thành phố Hà Nội tham dự Đại hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Các cấp Hội Nông dân Việt Nam cần đổi mới phương thức hoạt động để ngang tầm nhiệm vụ, đủ sức đồng hành, hỗ trợ nông dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.