(HNMO) - Ngày 16-9, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và một số hiệp hội doanh nghiệp - đại diện cho người sử dụng lao động để tiếp tục lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Trong quá trình đưa ra lấy ý kiến góp ý, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) nhận được nhiều ý kiến trái chiều về thời giờ làm việc bình thường, thời gian làm thêm, tiền lương, hợp đồng lao động, điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu…
Về thời gian làm việc, VCCI đề nghị giữ nguyên thời gian làm việc như hiện nay, tức là mỗi người làm việc 48 giờ/tuần. Thời gian làm thêm trong năm nên tăng từ 200 giờ lên 500 giờ đối với trường hợp bình thường, tăng từ 300 giờ lên 500 đến 600 giờ trong trường hợp đặc biệt.
Mức tiền lương làm thêm giờ nên giữ nguyên như các quy định hiện hành, còn việc trả lương lũy tiến làm thêm giờ với mức lương cao hơn thì do hai bên thỏa thuận để thực hiện. Tiền lương ngừng việc trong trường hợp vì sự cố, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc vì lý do kinh tế mà người lao động phải ngừng việc thì hai bên nên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức tiền lương tối thiểu.
Về những quy định liên quan đến hợp đồng lao động, phía đại diện người lao động đề nghị Bộ luật Lao động (sửa đổi) có nội dung cho phép “ủy quyền lại”, tức là người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động được tiếp tục ủy quyền cho người khác giao kết hợp đồng lao động. Việc điều chuyển lao động được đề nghị sửa đổi theo hướng người sử dụng lao động được quyền chuyển tạm thời người lao động không cần sự đồng ý bằng văn bản của người lao động do yêu cầu sản xuất kinh doanh…
Hình thức xử lý vi phạm kỷ luật lao động được đề nghị bổ sung thêm 2 hình thức là chuyển người lao động làm công việc khác với mức lương thấp hơn trong thời hạn 6 tháng hoặc hạ bậc lương…
Đề xuất điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu nhận được nhiều ý kiến ủng hộ từ đại diện người sử dụng lao động...
Đại diện cho cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhất trí với ý kiến kiến nghị của VCCI về việc giữ nguyên thời gian làm việc bình thường 48 giờ/tuần. Riêng thời giờ làm thêm, dự thảo đưa ra quy định mức trần làm thêm tối đa là 40 giờ/tháng... Những nội dung khác sẽ được ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các bên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi - đại diện cơ quan thẩm tra dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) cho biết, quan điểm của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội là không tăng thời gian làm thêm, cũng không giảm thời gian làm việc bình thường xuống 44 giờ/tuần như một số ý kiến trước đó. Còn việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với lao động nam, 60 tuổi đối với lao động nữ không thể không thực hiện. Lộ trình tăng như thế nào sẽ tiếp tục được nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng... Dự kiến đến năm 2028, nước ta mới có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 62, đến năm 2035 mới có lao động nữ nghỉ hưu ở tuổi 60.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.