Lương - Bảo hiểm

Nâng cao kiến thức pháp luật lao động cho người lao động ngành Giao thông vận tải

Hà Phong 22/05/2024 15:47

Ngày 22-5, Báo Lao động Thủ đô phối hợp cùng Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội tổ chức đối thoại - giao lưu trực tuyến - truyền thông chính sách năm 2024 với chuyên đề: "Nâng cao kiến thức pháp luật lao động và an toàn, vệ sinh lao động".

1720240522093319.jpg
Các khách mời tham gia đối thoại. Ảnh: PV

Chương trình là một trong những hoạt động thiết thực chào mừng Tháng Công nhân, Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2024; hướng tới chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024) và kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Luật sư Nguyễn Văn Hà - Phó Chủ nhiệm đoàn Luật sư thành phố Hà Nội; bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội; Tiến sĩ Đỗ Thị Lan Chi - Phó Trưởng khoa An toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp (Trường Đại học Công đoàn) tham dự.

Các vấn đề người lao động quan tâm, đề xuất, đặt câu hỏi cho thấy, ngành Giao thông vận tải là một lĩnh vực đặc thù, lực lượng lao động trực tiếp tại các công trình hạ tầng giao thông, các dự án giao thông rất đông; môi trường lao động luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, ô nhiễm.

Liên quan đến quyền lợi bảo hiểm xã hội (BHXH), chuyên gia Dương Thị Minh Châu cho hay, dự thảo Luật BHXH sửa đổi lần này, hiện vẫn có nhiều ý kiến. Trong đó, chia làm 2 luồng ý kiến, có thể trả hết hoặc bảo lưu một phần BHXH để khi người lao động muốn quay lại với mạng lưới an sinh thì sẽ có điều kiện thuận lợi hơn. Tuy nhiên, quy định về giải quyết BHXH một lần vẫn được giữ nguyên. Trường hợp người lao động đã đi làm và đóng BHXH 18 năm muốn rút BHXH thì hoàn toàn có thể làm được.

"Ở nhiều quốc gia và ngay ở Việt Nam cũng không khuyến khích việc rút BHXH một lần. Tuy nhiên, tôi thấy ở trường hợp này đã đóng BHXH 18 năm, nếu rút BHXH một lần thì sẽ rất đáng tiếc. Chúng tôi khuyên người lao động cố gắng bảo lưu BHXH", bà Châu nhấn mạnh.

Thông tin các chính sách mới nhất liên quan đến an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), chuyên gia Đỗ Thị Lan Chi cho biết, quy định hiện hành nêu rõ trách nhiệm của tổ chức Công đoàn và Công đoàn cơ sở với công tác ATVSLĐ tại doanh nghiệp.

Đáng chú ý là quy định về vai trò của Công đoàn cơ sở trong việc đại diện cho tập thể người lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện điều khoản về ATVSLĐ trong thỏa ước lao động tập thể; giúp đỡ người lao động khiếu nại, khởi kiện khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng bị xâm phạm; đối thoại với người sử dụng lao động để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động về ATVSLĐ; tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động điều tra tai nạn lao động và giám sát việc giải quyết chế độ, đào tạo nghề và bố trí công việc cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; kiến nghị người sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ, khắc phục hậu quả sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ, tai nạn lao động; yêu cầu người có trách nhiệm thực hiện ngay biện pháp bảo đảm ATVSLĐ, kể cả trường hợp phải tạm ngừng hoạt động nếu cần thiết khi phát hiện nơi làm việc có nguy cơ gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người lao động…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao kiến thức pháp luật lao động cho người lao động ngành Giao thông vận tải

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.