Xã hội

Bảo đảm tuổi sĩ quan Quân đội tiệm cận quy định của Bộ luật Lao động

Mai Hữu - Đình Hiệp 28/10/2024 - 17:57

Chiều 28-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

to1.jpg
Đại biểu Khuất Việt Dũng (Đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận. Ảnh: Đình Hiệp

Thảo luận tại tổ, đa số các đại biểu Quốc hội nhận định, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam bám sát nội dung các nghị quyết của Bộ Chính trị cũng như các nghị quyết liên quan. Vì thế, việc ban hành Luật sửa đổi là cần thiết.

Đại biểu Khuất Việt Dũng (Đoàn Hà Nội) nhất trí với việc sửa đổi Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam theo hướng nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm cao nhất của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam các mức khác nhau, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng, điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu và thống nhất với quy định của Bộ luật Lao động năm 2019.

Đại biểu Sùng A Lềnh (Đoàn Lào Cai) cho rằng, theo quy định tuổi nghỉ hưu như Luật hiện hành thì cấp thiếu tá nghỉ hưu ở tuổi 48, trung tá nghỉ hưu ở tuổi 51, như vậy, nếu trừ đi 4 đến 6 năm đào tạo trong nhà trường thì mới cống hiến hơn 20 năm công tác, trong khi đó, đây đang là "tuổi chín" về kinh nghiệm, được đào tạo chính quy, cơ bản, đáp ứng yêu cầu chuyên nghiệp hóa quân đội. Do vậy, nếu cho đội ngũ này nghỉ hưu như luật hiện hành sẽ lãng phí rất lớn nguồn nhân lực có trình độ cao của quân đội; chưa tính đến những sĩ quan được đào tạo các chuyên môn có tính đặc thù, đào tạo dài hạn, kỹ thuật cao, hiện đại.

Mặt khác, theo đại biểu Đoàn Lào Cai, Quân đội hiện nay đòi hỏi tính chuyên nghiệp chuyên sâu cao, tinh nhuệ, làm chủ khoa học kỹ thuật, vũ khí, trang bị hiện đại nên cần có một đội ngũ sĩ quan giàu kinh nghiệm, toàn diện ở nhiều mặt công tác; đòi hỏi có năng lực chỉ huy, điều hành, độc lập tác chiến trong các điều kiện phức tạp, khó khăn ở những hoàn cảnh khác nhau.

to3.jpg
Đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt (Đoàn Hà Nội) thảo luận tại tổ. Ảnh: Đình Hiệp

Còn đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt (Đoàn Hà Nội) cho biết, quá trình thực hiện Luật Sĩ quan vừa qua còn nhiều bất cập trong việc bổ nhiệm, thăng quân hàm nên việc sửa đổi từ 11 đến 17 chức vụ của sĩ quan trong dự thảo Luật lần này hoàn toàn hợp lý, phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Đại biểu cho rằng, việc Bộ Quốc phòng đề xuất hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm như dự thảo Luật góp phần tiệm cận với Bộ luật Lao động năm 2019. Trong đó, liên quan đến độ tuổi nghỉ hưu và năm đóng bảo hiểm của các sĩ quan quân đội; đồng thời, giữ chân được các sĩ quan có trình độ và kinh nghiệm tiếp tục làm việc, cống hiến lâu dài hơn; giảm thiểu chi phí đào tạo cho lực lượng này, tránh lãng phí nguồn lực cho Nhà nước.

Đại biểu Phạm Hùng Thắng (Đoàn Hà Nam) cho rằng, theo Luật Bảo hiểm xã hội, lao động nam tham gia bảo hiểm xã hội đủ 35 năm (nữ là 30 năm) mới được hưởng lương hưu mức tối đa là 75%. Vì vậy, sĩ quan cấp Trung tá trở xuống khi hết tuổi phục vụ tại ngũ, nghỉ hưu sẽ không đủ số năm tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu mức tối đa 75%.

Do vậy, đại biểu Đoàn Hà Nam đề nghị cơ quan soạn thảo tăng độ tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan, qua đó, vừa giữ gìn đội ngũ sĩ quan, vừa phù hợp với tính chất, nhiệm vụ, cơ cấu, tổ chức của quân đội, vừa thực hiện chính sách cán bộ; đồng thời, thống nhất với quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về bảo hiểm xã hội (tương đồng với Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân đang quy định: Cấp úy 55 tuổi; Thiếu tá, Trung tá: nam 57 tuổi, nữ 55 tuổi; Thượng tá: nam 60 tuổi, nữ 58 tuổi; Đại tá: nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi; cấp tướng: nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi).

to4.jpg
Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) thảo luận. Ảnh: Mai Hữu

Cơ bản đồng tình với chính sách về hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của sĩ quan, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) đề xuất tuổi nghỉ hưu sớm hơn cho các sĩ quan thuộc các binh chủng chiến đấu đặc biệt, như đặc công, hải quân, không quân, từ 50-55 tuổi. Đối với các binh chủng không đòi hỏi thể lực cao, như hậu cần, thông tin, có thể áp dụng tuổi nghỉ hưu cao hơn, từ 58-60 tuổi.

“Quy định nên áp dụng một lộ trình thực hiện linh hoạt, cho phép sĩ quan trong các binh chủng có lựa chọn nghỉ hưu sớm nếu cảm thấy sức khỏe không bảo đảm hoặc tiếp tục cống hiến nếu sức khỏe và năng lực đáp ứng”, đại biểu Thạch Phước Bình nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm tuổi sĩ quan Quân đội tiệm cận quy định của Bộ luật Lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.