Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để mùa xuân ấm áp mọi nhà

Thái Sơn| 27/01/2015 06:15

(HNM) - Năm hết, Tết đến cùng quãng thời gian mà người dân đặc biệt quan tâm đến các chính sách an sinh xã hội.



Cần phải khẳng định, việc chăm lo cái Tết cho mọi người dân, đặc biệt là gia đình chính sách, người có công, người nghèo là những đối tượng luôn được ưu tiên hàng đầu về sự quan tâm trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, vấn đề này trong nhiều năm luôn được "hâm nóng" với những khía cạnh có đầy tính thời sự. Ví dụ như quà tặng của Chủ tịch nước với từng đối tượng cụ thể năm nay là bao nhiêu? Từng địa phương có phương án kinh phí hỗ trợ thêm như thế nào? Thời điểm nào người được hỗ trợ nhận được tiền hay hiện vật? Liệu chính sách mang đậm tính nhân văn của Đảng và Nhà nước có được cơ sở thực hiện nghiêm túc (lấy ví dụ như cấp sai đối tượng, chậm thời gian hoặc bớt xén…)? Tương tự như thế, người "làm công, ăn lương" sau một năm làm việc, được thưởng Tết ra sao? Mức cụ thể như thế nào? Liệu những "ông chủ" có giữ lời hứa với người lao động?...

Tựu trung là rất nhiều câu hỏi, rất nhiều băn khoăn, đầy tâm trạng của từng nhóm đối tượng trong xã hội. Đó cũng là lý do, trong chương trình truyền hình "Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời" của VTV1 tối 25-1, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã đăng đàn giải đáp các vấn đề "nóng" nhận được nhiều sự quan tâm của người dân. Theo như cung cấp của cơ quan chức năng, chủ trương, chính sách cũng như quyền lợi được thụ hưởng đối với từng nhóm đối tượng đều đã rõ ràng. Và như vậy, xét về lý thuyết thì đón xuân Ất Mùi 2015, người người có Tết, nhà nhà có Tết.

Tuy nhiên, như thế là chưa đủ, là mới chỉ ổn về nguyên tắc, là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ để hơi ấm mùa xuân mang tính nhân văn của xã hội tới từng hộ gia đình trên khắp mọi miền đất nước. Vấn đề ở đây là trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, giám sát của ngành chức năng và chính quyền các cấp trong thực thi những chủ trương, chính sách nêu trên của Đảng và Nhà nước. Một số chuyện đáng buồn trong những xuân trước đã từng xảy ra. Ấy là chuyện hỗ trợ "nhầm" đối tượng. Rồi việc các phương án hỗ trợ đến với bà con nơi này, nơi khác là quá muộn khiến cho một số gia đình phải chịu cảnh lạnh lẽo trong ngày xuân. Hay chuyện chủ lao động lấy cớ này, lý do kia để "xù" lương tháng thứ 13 hoặc thưởng Tết cho người lao động…

Trong mỗi câu chuyện không vui của những cái Tết đã qua như nêu trên đều có nguyên nhân chủ quan và khách quan. Song cần phải thấy rằng, trong từng sự việc, dù ít dù nhiều không thể không có những thiếu sót hoặc chưa làm tròn trách nhiệm được giao của đội ngũ "công bộc". Cũng đã có những trường hợp phải kiểm điểm, xử lý kỷ luật, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều đó là cần thiết, nhưng không phải là sự mong muốn của xã hội. Vấn đề ở đây là phải cố gắng hiện thực hóa tối đa mục đích ăm ắp tính nhân văn trong các chủ trương, chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Nói cách khác là phải đưa được các đường lối, chính sách đến với người dân. Muốn vậy ngành chức năng và các cấp chính quyền phải đôn đáo thực thi đầy đủ trách nhiệm được giao; đồng thời thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát. Có như vậy, sự đồng cảm, quan tâm, sẻ chia của cả xã hội, cộng đồng mới lan tỏa hơi ấm trong mọi gia đình khi Tết đến, xuân về.

Và không riêng vấn đề an sinh xã hội, các chủ trương, chính sách khi ban hành đều hướng tới một mục đích là phát huy hiệu quả trong đời sống để phục vụ cao nhất lợi ích của người dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để mùa xuân ấm áp mọi nhà

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.