(HNM) - Gian lận xuất xứ hàng hóa để lẩn tránh thuế đang là mối lo với doanh nghiệp Việt, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam thực hiện các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU... cùng diễn biến của quan hệ thương mại Mỹ - Trung.
Thời gian qua, nhiều ngành hàng của Việt Nam như sắt, thép, đồ điện tử... đã, đang lọt vào “tầm ngắm” của nhiều nước do lo ngại vấn đề xuất xứ. Điều này không chỉ khiến doanh nghiệp Việt thua thiệt trên thị trường quốc tế, mà còn ảnh hưởng tới uy tín, sức cạnh tranh của ngành hàng.
Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, tình trạng gian lận xuất xứ Việt Nam để xuất đi nước ngoài hưởng ưu đãi thuế quan, hoặc lẩn tránh thuế ngày càng diễn biến phức tạp. Trong đó, Hoa Kỳ và EU là những thị trường dễ phát sinh gian lận thương mại. “Hành vi lẩn tránh rất đa dạng với nhiều phương thức khác nhau, như doanh nghiệp chuyển toàn bộ quy mô, hay chuyển một phần công đoạn sản xuất sang Việt Nam, nhằm hưởng chênh lệch giữa thuế ưu đãi và thuế thông thường. Bất cập còn ở chỗ, các nước cho phép doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ cho sản phẩm của mình…” - ông Lê Triệu Dũng nêu.
Đáng lo ngại, tình trạng gian lận xuất xứ không chỉ xảy ra với hàng hóa xuất khẩu, mà ngay hàng hóa tiêu thụ tại thị trường nội địa cũng bị gian lận ngày càng nhiều.
Để không còn nỗi lo về gian lận xuất xứ hàng hóa, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu, các đơn vị thuộc Bộ cần có cơ chế giám sát đặc biệt những nhóm hàng xuất khẩu có "nguy cơ" cao như thủy sản, nông sản, dệt may, da giày, điện tử... Cục Phòng vệ thương mại xây dựng kế hoạch phối hợp công tác, chia sẻ thông tin giữa Bộ Công Thương với các ngành liên quan; rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, đồng thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm.
Về phía doanh nghiệp xuất khẩu, phải tuân thủ quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho hành vi gian lận. Đồng thời, theo dõi sát thị trường để kịp thời cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý khi thấy dấu hiệu bất thường, tránh để các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam bị liên lụy và ảnh hưởng bởi các biện pháp chống lẩn tránh và phòng vệ thương mại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.