(HNM) - Dù dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và tác động đến nhiều mặt kinh tế - xã hội, song dự kiến quý I-2020, Hà Nội vẫn có thêm 6.300 doanh nghiệp ra đời, với tổng vốn đăng ký gần 149.000 tỷ đồng, tăng 187% so với cùng kỳ năm 2019. Trong bộn bề khó khăn, đây là tín hiệu khả quan, cho thấy tiềm lực trong xã hội còn khá dồi dào, khát vọng khởi nghiệp không hề suy giảm. Và hơn hết, nguồn vốn này có thể góp phần phục hồi nhanh sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ nền kinh tế bứt phá ngay sau khi dịch Covid-19 được khống chế.
Đáng quý hơn, sự ra đời của doanh nghiệp mới trong hoàn cảnh kinh tế - xã hội đang gặp nhiều khó khăn, là kết quả của cả quá trình cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, với hàng loạt giải pháp cụ thể của thành phố Hà Nội. Không chỉ được hỗ trợ khởi sự kinh doanh, các cấp, ngành thành phố còn xây dựng nền tảng để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, phát triển bền vững, thông qua cải cách thủ tục hành chính, chính sách hỗ trợ tài chính, khoa học - công nghệ, kết nối sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi hay xúc tiến xuất khẩu…
Nói cách khác, việc hỗ trợ doanh nghiệp thành lập, phát triển là hoạt động không có điểm dừng và làn sóng khởi nghiệp, huy động vốn cho sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Hà Nội vẫn trong xu hướng gia tăng là kết quả tất yếu của quá trình đó.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, để doanh nghiệp đi vào hoạt động hiệu quả và xa hơn là đạt mục tiêu có 400.000 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vào cuối năm 2020 vẫn là một thách thức rất lớn, đòi hỏi các cấp, ngành của thành phố Hà Nội phải nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa.
Đã có hàng loạt giải pháp nâng đỡ doanh nghiệp khởi nghiệp, vượt khó được triển khai ngay từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, như: Không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 đối với doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm; hoàn thuế, gia hạn nộp thuế, giãn thời gian trả nợ, giảm lãi suất tín dụng... Có những chính sách được thực hiện theo chủ trương chung từ Chính phủ, nhưng bên cạnh đó cũng có những cơ chế rất riêng của Hà Nội. Đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; tích hợp các biện pháp hỗ trợ theo phương thức một đầu mối hay hoàn thuế, nộp thuế điện tử, mà thành phố Hà Nội đã đạt tỷ lệ 100%.
Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục triển khai những giải pháp mang tính lâu dài, từ tư vấn khởi nghiệp, hỗ trợ đào tạo nhân lực, quản trị kinh doanh đến hỗ trợ chi phí để doanh nghiệp ra đời, kết nối doanh nghiệp với ngân hàng để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi khi hoạt động… Nhiều cơ chế để tiếp tục đơn giản thủ tục hành chính tiếp tục được đưa ra để hỗ trợ cho việc triển khai Đề án hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020.
Trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thành lập, hoạt động hiệu quả của Hà Nội vừa có tính lâu dài, vừa là những ứng phó phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần có giải pháp riêng để thích nghi với hoàn cảnh khó khăn. Có đơn vị có thể coi thời điểm này là khoảng lùi để tái cơ cấu sản xuất, đổi mới công nghệ, đầu tư phương pháp quản trị mới, sẵn sàng bứt phá khi có điều kiện; nhưng cũng có đơn vị lại tìm ra cơ hội để phát triển kinh doanh. Tuy nhiên, dù trong hoàn cảnh nào thì doanh nghiệp cũng cần biết nuôi dưỡng khát vọng khởi nghiệp, vươn lên, tận dụng tối đa sự hỗ trợ của các cấp, ngành để đưa nguồn lực vốn vào nền kinh tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
Hỗ trợ doanh nghiệp thành lập, phát triển là hoạt động không có điểm dừng, là điều kiện cần. Còn khát vọng vươn lên của doanh nghiệp là điều kiện đủ, và cũng phải không có điểm dừng. Khi hai điều kiện cần và đủ này hội tụ trong mối quan hệ bền chặt, tất yếu những khát vọng mãi vươn xanh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.