(HNM) - Với việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hàng Việt Nam có cơ hội vươn ra “biển lớn” chinh phục nhiều thị trường tiềm năng trên thế giới, đồng thời cạnh tranh sòng phẳng ngay tại “sân nhà” khi đón lượng hàng hóa lớn nhập khẩu từ các nền kinh tế phát triển. Đây là lúc hàng Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam làm mới mình để thích ứng với “cuộc chơi".
Cơ hội đi cùng thách thức
Trước đây, chị Trịnh Thanh Trà (ở Khu đô thị Times City, quận Hai Bà Trưng) thường đặt mua trái cây nhập ngoại qua các mối quen xách tay từ nước ngoài, nhưng nay chị có thể dễ dàng mua việt quất, nho, cherry… với nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi do trái cây ngoại được nhập khẩu ngày càng nhiều hơn vào thị trường Việt Nam.
Không chỉ trái cây, hiện nay, người tiêu dùng trong nước có thể mua sắm nhiều loại hàng hóa từ Mỹ, Canada, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Với 13 hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết và thực thi, giao thương hàng hóa giữa Việt Nam và gần 100 nền kinh tế trên khắp thế giới đã trở nên sôi động, thuận tiện hơn rất nhiều. Cũng từ đó, mở ra “cuộc chơi” mới với nhiều cơ hội đi kèm những thách thức. Khi Việt Nam kết nối giao thương với các nền kinh tế trên thế giới, hàng hóa nước ngoài cũng theo đó “thẳng tiến” vào thị trường Việt Nam. Dù hàng Việt Nam hiện rất “được lòng” người tiêu dùng trong nước nhưng khó tránh khỏi cuộc cạnh tranh gay gắt với hàng ngoại nhập.
Theo dự báo của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu, hàng hóa xuất khẩu từ châu Âu sang Việt Nam tăng khoảng 29% vào năm 2035, tương đương 15 tỷ euro. Trước thực tế này, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga nhận định: “Chỉ riêng hàng hóa từ Liên minh châu Âu (EU) vào Việt Nam đã tạo ra cạnh tranh lớn cho hàng nội địa. Trong khi đó, tâm lý người tiêu dùng ngày càng muốn sử dụng những sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý, vì thế sẽ tạo thêm nhiều áp lực cho doanh nghiệp trong nước”.
Ở chiều ngược lại, 3 tháng kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, những lô gạo, chanh leo, cà phê, thủy sản… từ Việt Nam liên tiếp được nhập khẩu vào châu Âu với nhiều ưu đãi. Rõ ràng, sản phẩm “made in Việt Nam” đang thâm nhập sâu hơn vào các thị trường lớn trên thế giới. Song, để có chỗ đứng bền vững, hàng Việt Nam phải đáp ứng nhiều quy định chặt chẽ. Và chỉ cần không đạt một trong các tiêu chuẩn về xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm hay điều kiện kho bãi... những lô hàng rất có thể bị trả lại dù đã cập cảng.
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) Nguyễn Khánh Ngọc chia sẻ, các hiệp định thương mại đã, đang gia tăng sức ép cạnh tranh cho nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam, đòi hỏi sự tuân thủ "luật chơi" theo tiêu chuẩn cao để tận dụng được cơ hội. Còn Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm cho biết: “Việt Nam mạnh về may nhưng yếu về nguyên phụ liệu do phải nhập khẩu. Đây là điểm nghẽn lớn của các doanh nghiệp dệt may trước các quy định về xuất xứ của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”.
Hiện nay, trình độ phát triển của Việt Nam đang ở mức trung bình thấp, chất lượng hàng Việt Nam chưa đồng đều, giá nhiều mặt hàng còn cao hơn so với các nước. Ngoài ra, hàng Việt Nam còn có điểm yếu về mẫu mã, bao bì, khâu trung gian chiếm tỷ trọng cao dẫn đến kém cạnh tranh. Nguyên nhân là do 95% doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam yếu về công nghệ, thiếu sự kết nối để tạo ra chuỗi liên kết lâu dài.
Nâng sức cạnh tranh cho hàng Việt Nam
Mở cửa thị trường đồng nghĩa không còn khái niệm “sân nhà”, do đó, thay đổi để nắm bắt cơ hội khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được thực thi là cách giúp các doanh nghiệp vừa gia tăng kim ngạch xuất khẩu, vừa chiếm lĩnh thị trường trong nước. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Dược Việt Nam Lê Văn Sơn cho rằng, bên cạnh đầu tư xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh hợp tác quốc tế…, vấn đề cốt lõi là các doanh nghiệp tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư cho nghiên cứu, tạo đà sản xuất sản phẩm chất lượng cao. Theo các chuyên gia kinh tế, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp cần có chiến lược cụ thể, trong đó vấn đề quan trọng là tập trung xây dựng chuỗi liên kết, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, chất lượng, an toàn thực phẩm; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm đặc thù, đặc sản của Việt Nam nhằm nâng cao lợi thế.
Ở tầm vĩ mô, PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ cho rằng, việc ưu tiên xây dựng lực lượng doanh nghiệp Việt Nam với chiến lược hành động cấp quốc gia, trong đó gây dựng các “đại bàng quốc tịch Việt” phải là nhiệm vụ mang tính trụ cột. Xét trên bình diện chung, để doanh nghiệp lớn mạnh, Nhà nước cần đẩy mạnh cải cách để giảm chi phí, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần thiết thực và được thực thi tốt hơn.
Về phía cơ quan quản lý, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các chương trình thuộc Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; chương trình xúc tiến thương mại trong nước; thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các hệ thống phân phối nước ngoài; phát triển thương mại điện tử... Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đứng vững và phát triển, nâng sức cạnh tranh cho hàng Việt Nam, Bộ cũng tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính đi đôi với tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối thị trường khắp thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.