Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để Hà Nội thành trung tâm đổi mới, sáng tạo

Thu Hằng| 12/06/2020 07:26

(HNM) - Những năm gần đây, hoạt động khoa học - công nghệ của Hà Nội đã có nhiều đóng góp quan trọng trên tất cả lĩnh vực và ngày càng khẳng định là trung tâm khoa học - công nghệ, đổi mới, sáng tạo hàng đầu cả nước. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc phỏng vấn Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn về một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành Khoa học và Công nghệ Thủ đô trong thời gian tới.

- Ngành Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã có nhiều đóng góp quan trọng trên tất cả lĩnh vực và là đòn bẩy, động lực thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố. Xin ông cho biết những định hướng và nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong thời gian tới?

- Những năm qua, phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo luôn được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội chú trọng đẩy mạnh, đóng góp quan trọng vào việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô. Riêng giai đoạn 2016-2020, thành phố triển khai thực hiện 345 nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trong đó trên 85% nhiệm vụ sau khi nghiệm thu được ứng dụng vào thực tiễn.

Để phát huy hơn nữa kết quả đã đạt được, trong 5 năm tới, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội tiếp tục làm tốt công tác tham mưu với Thành ủy, HĐND, UBND thành phố khai thác có hiệu quả mọi tiềm lực, xây dựng Hà Nội thành trung tâm khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực.

Thành phố Hà Nội phấn đấu tiếp tục là một trong hai địa phương dẫn đầu cả nước về ươm tạo và phát triển doanh nghiệp khoa học - công nghệ; đến năm 2025 có ít nhất 200 doanh nghiệp khoa học - công nghệ được chứng nhận, trong số đó có tối thiểu 10 doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực. Bên cạnh đó, thành phố phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 30%, và đến năm 2030 có ít nhất 50% số doanh nghiệp trên địa bàn đưa công cụ sở hữu trí tuệ vào chiến lược sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, thành phố Hà Nội xây dựng, thực hiện Chiến lược phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; tiếp tục đề xuất với Trung ương hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động khoa học - công nghệ nhằm tạo cơ chế, môi trường thông thoáng, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động khoa học - công nghệ gắn với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xu hướng phát triển của từng ngành, lĩnh vực, sản phẩm.

- Theo ông, thị trường khoa học - công nghệ được phát triển theo hướng nào?

- Thị trường khoa học - công nghệ và hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ được đẩy mạnh phát triển theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Đồng thời, chủ động tham gia và tận dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghiệp mới có lợi thế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Cùng với đó, thành phố mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; lựa chọn các đối tác đến từ những quốc gia có nền khoa học - công nghệ tiên tiến; nghiên cứu, tiếp cận, ứng dụng các tiêu chuẩn của thế giới vào Việt Nam và Hà Nội.

- Để thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ trên, đâu là giải pháp trọng tâm, thưa ông?

- Giải pháp trọng tâm của Hà Nội là tiếp tục nghiên cứu đổi mới cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh đặt hàng nghiên cứu các nhiệm vụ khoa học - công nghệ phục vụ trực tiếp cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội… Chú trọng cơ chế phát huy, khai thác tiềm năng, lợi thế, thu hút các nguồn lực khoa học - công nghệ trên địa bàn, phục vụ phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững.

Bên cạnh việc chủ động đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng, phát triển đội ngũ nhân lực, nhất là nhân lực khoa học - công nghệ phục vụ cho công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; trong đó trước mắt tập trung đào tạo và đào tạo lại, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý của thành phố. Cùng với đó tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ, bảo hộ nhãn hiệu, phát triển nhãn hiệu hàng hóa... Đồng thời triển khai các hoạt động kiểm tra, thanh tra theo quy định về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng…, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, nhà sản xuất.

Thành phố tiếp tục phát triển mạnh thị trường khoa học - công nghệ; hình thành hệ thống tổ chức dịch vụ môi giới, đánh giá, chuyển giao công nghệ. Thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn đầu tư vào Hà Nội, qua đó thúc đẩy chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại… Hà Nội đầu tư xây dựng một số trung tâm, cơ sở nghiên cứu, vườn ươm công nghệ với cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, ngang tầm khu vực; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tự đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh, chủ động hội nhập hiệu quả.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để Hà Nội thành trung tâm đổi mới, sáng tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.