(HNM) - Được coi là thành phần quan trọng trong kho tàng văn hóa, lịch sử quốc gia, di sản tư liệu hàm chứa nguồn thông tin soi chiếu suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Các cán bộ lưu trữ khôi phục nét chữ trên các tấm Mộc bản triều Nguyễn với sự hỗ trợ của thiết bị chuyên dụng. Ảnh: Báo SGGP |
Di sản tư liệu - Biên niên sử quốc gia
Là thuật ngữ được sử dụng tại Chương trình Ký ức thế giới do UNESCO khởi xướng từ năm 1992, di sản tư liệu nhằm chỉ những tư liệu, tài liệu có giá trị đặc biệt, tầm ảnh hưởng rộng lớn trên thế giới. Qua nguồn sử liệu này, công chúng có thể hiểu thêm về các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội của cả nước hay từng vùng, miền, dân tộc, ngành nghề...; những dấu son rực rỡ của từng thời kỳ hay cách thức người xưa vượt qua khó khăn, thử thách.
Bên cạnh những bài học, kinh nghiệm suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước được đúc kết, chắt lọc, trao truyền qua bao đời, di sản tư liệu còn lưu giữ những chứng cứ quan trọng, có giá trị lịch sử và pháp lý để khẳng định chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ mà Di sản tư liệu Mộc bản triều Nguyễn là một ví dụ điển hình.
Là Di sản tư liệu thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận vào năm 2009, Mộc bản triều Nguyễn chứa đựng khối sử liệu đồ sộ tạc trên gỗ với hơn 34 nghìn tấm, phản ánh mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, quan hệ quốc tế… trong một giai đoạn lịch sử quan trọng. Không chỉ có vậy, Di sản tư liệu Mộc bản triều Nguyễn còn lưu giữ bằng chứng quan trọng về địa lý, có ý nghĩa khẳng định chủ quyền quốc gia một cách trực tiếp và tin cậy như Bản khắc nội dung quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi (Việt Nam) hay bản khắc cổ “Nam quốc sơn hà”.
Không chỉ có Mộc bản triều Nguyễn, nhiều di sản tư liệu khác cũng lưu giữ thông tin có giá trị về công cuộc xây dựng kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền của nước ta. Có thể thấy điều đó qua Châu bản triều Nguyễn, di sản tư liệu thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, ghi lại các hoạt động thường niên của nhà nước phong kiến khi đưa binh, thuyền vãng thám Hoàng Sa hay các bản tấu trình về việc khảo sát các đảo thuộc quần đảo này.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực di sản văn hóa khẳng định: Thông tin lưu trữ trong Di sản tư liệu Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn là bằng chứng thuyết phục về chủ quyền lãnh thổ quốc gia cũng như niềm tự tôn dân tộc.
Nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc cho biết: Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn là những tài liệu gốc, độc bản, có giá trị phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam thời cận đại. Các di sản tư liệu góp phần củng cố thêm bằng chứng không thể phủ nhận về sự toàn vẹn lãnh thổ của nước ta, về chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Khẩn trương đưa di sản đến gần hơn với thế hệ trẻ
Du khách tham quan Mộc bản và Châu bản triều Nguyễn tại Bảo tàng Hội An (tỉnh Quảng Nam). Ảnh: Công Bính |
Tiếp tục phát huy giá trị của khối tài liệu quý giá của Di sản tư liệu Mộc bản triều Nguyễn, mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã giao cho Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, UBND tỉnh Lâm Đồng nghiên cứu, lập phương án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phù hợp để lưu giữ an toàn và phát huy tốt nhất giá trị của khối tài liệu Mộc bản triều Nguyễn; phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bảo tàng xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nguồn tài liệu để tổ chức trưng bày, triển lãm nhằm quảng bá các di sản tư liệu thế giới của Việt Nam, đặc biệt là tuyên truyền, giới thiệu những nội dung liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Cũng trong nội dung này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp các cơ quan, địa phương liên quan, thực hiện xã hội hóa một phần các hoạt động khai thác, quảng bá, phát huy giá trị tài liệu Mộc bản triều Nguyễn nói riêng, các tài liệu lưu trữ có giá trị nói chung.
Chỉ đạo nói trên của Chính phủ đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận. Nhiều chuyên gia về lĩnh vực văn hóa, di sản kiến nghị các cơ quan, đơn vị liên quan cần tham mưu cho Chính phủ các phương án bảo vệ lâu dài di sản tư liệu, trong đó có sự kết hợp giữa kinh nghiệm bảo quản của cha ông với việc ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong công tác bảo quản hiện nay; thúc đẩy việc nghiên cứu, dịch, số hóa nội dung để lưu trữ cũng như tuyên truyền, phổ biến cho người dân về nguồn sử liệu quý giá này, từ đó phát huy ý thức, trách nhiệm gìn giữ, phát huy giá trị di sản trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa, TS Lê Thị Minh Lý nhận định: Trong việc giữ gìn, phát huy giá trị Di sản Mộc bản triều Nguyễn, trước hết cần thực hiện nghiêm Kế hoạch hành động của UNESCO về bảo vệ, gìn giữ Di sản tư liệu Mộc bản triều Nguyễn, bổ sung thêm những chương trình phù hợp để bảo đảm công tác bảo tồn có được tính bền vững. Cụ thể là: Làm tốt công tác giải nghĩa, nhận dạng những giá trị lịch sử của di sản; đưa nội dung di sản vào giảng dạy trong các trường học một cách phù hợp, góp phần đưa di sản đến gần hơn với thế hệ trẻ; tiến hành biên dịch, sao lưu, chuyển thể dữ liệu gốc sang nhiều thứ tiếng để công chúng ở trong và ngoài nước dễ dàng tiếp cận… Công tác này cần được triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục, lâu dài.
Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, PGS.TS Đặng Văn Bài kiến nghị: Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn không chỉ là nguồn sử liệu tin cậy để nghiên cứu, phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, mà còn là bằng chứng khoa học về chủ quyền quốc gia. Các ban, ngành liên quan cần có kế hoạch giới thiệu, phổ biến một cách chân thực nội dung thông tin lưu trữ trong di sản tại các hội nghị, diễn đàn ở trong và ngoài nước, góp tiếng nói vào công cuộc bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.