Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để đất đai trở thành nguồn lực phát triển nông nghiệp, nông thôn

Ngọc Quỳnh| 09/03/2023 20:22

(HNMO) - Chiều 9-3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị lấy ý kiến đại diện các đơn vị trực thuộc bộ, doanh nghiệp về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Quang cảnh hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các đại biểu tham dự tập trung thảo luận một số vấn đề chính liên quan đến ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với 5 nhóm vấn đề: Luật Đất đai sửa đổi sẽ tác động tới các luật chuyên ngành của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện nay ra sao; chế độ quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt là đất lúa; đất dành cho khoa học - công nghệ trong nông nghiệp (các viện, trường); vấn đề sử dụng đất đa mục đích; vị trí, vai trò của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ngành Nông nghiệp đối với công tác tham gia quản lý về đất đai.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh yêu cầu xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cần tiếp tục đưa đất đai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng để xây dựng ngành nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững.

Về phía các doanh nghiệp, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Thái Bình (Thai Binh Seed) đề nghị các quy định trong Luật Đất đai (sửa đổi) phải bảo đảm giữ được đất trồng cây lương thực, giữ được rừng, đặc biệt bảo vệ tối đa đất lúa; khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai, hạn điền phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Nông nghiệp phát triển bền vững.

Về vấn đề quỹ đất dành cho nghiên cứu khoa học - công nghệ trong nông nghiệp, ông Trần Mạnh Báo đề nghị, các quy định nên khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp có thể đầu tư vào nghiên cứu khoa học - công nghệ. Thời hạn sử dụng đất, thuê đất phải phù hợp để doanh nghiệp, người dân yên tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp. Việc này vừa góp phần quan trọng trong tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa, vừa là cơ sở để phân công lại lao động trong nông nghiệp, nông thôn, phát huy tiềm năng đất đai nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống nông dân và thay đổi diện mạo nông thôn mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để đất đai trở thành nguồn lực phát triển nông nghiệp, nông thôn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.