Bất động sản

Khó khăn trong cấp “sổ đỏ” cho đất có nguồn gốc nông, lâm trường: Người dân mong chờ Luật Đất đai đi vào thực tiễn

Bạch Thanh 27/09/2024 - 19:38

Luật Đất đai 2024, có hiệu lực từ ngày 1-8-2024, mang theo nhiều kỳ vọng từ phía người dân và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho các hộ dân sinh sống trên đất nông, lâm trường.

Những vướng mắc về pháp lý và quản lý đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống cũng như kế hoạch phát triển của hàng chục nghìn hộ dân. Tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác, rất nhiều hộ dân đã chờ đợi chính sách này suốt nhiều thập kỷ, khiến vấn đề này trở nên bức thiết và đòi hỏi giải pháp quyết liệt từ các cơ quan chức năng.

Chính sách mới về cấp sổ đỏ đất nông, lâm trường

Luật Đất đai 2024 quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh và cấp huyện đối với đất do các công ty nông, lâm nghiệp quản lý. Theo Điều 181 của Luật này, UBND cấp tỉnh phải tiến hành rà soát, quản lý diện tích đất mà các công ty nông, lâm nghiệp sử dụng, bao gồm cả đất được giao, cho thuê, khoán trắng, liên doanh hoặc đang có tranh chấp. Sau khi hoàn thành quá trình rà soát, tỉnh phải lập phương án sử dụng đất cụ thể, xác định phần đất nào sẽ do công ty tiếp tục sử dụng và phần đất nào sẽ được bàn giao về địa phương để cấp sổ đỏ hoặc sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội.

dat-nong-lam-truong-o-ba-vi.jpg
Việc chậm bàn giao đất có nguồn gốc nông, lâm trường về địa phương quản lý gây khó khăn cho nhiều địa phương. Ảnh: Sơn Tùng

Ngoài ra, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm thu hồi đất sử dụng không đúng mục đích và giao lại cho UBND cấp huyện quản lý. Về phía UBND cấp huyện, đơn vị này sẽ phải quản lý quỹ đất được bàn giao, đồng thời lập phương án cấp sổ đỏ cho người dân đã sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường trước năm 2015. Việc cấp đất ưu tiên cho các đối tượng khó khăn hoặc đồng bào dân tộc thiểu số cũng là một nhiệm vụ trọng tâm của huyện. Đồng thời, UBND huyện phải giao đất cho các cá nhân, tổ chức tại địa phương theo quy hoạch và bàn giao phần đất chưa sử dụng cho UBND cấp xã quản lý.

Theo ông Phạm Ngô Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), sau khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành Nghị định 101/2024/NĐ-CP, trong đó nội dung về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường được quy định rõ tại Điều 26.

Điều 26 Nghị định này quy định rõ: Nếu hộ gia đình, cá nhân có giấy tờ về quyền sử dụng đất và đã sử dụng đất trước ngày 15-10-1993, diện tích đất ở sẽ được công nhận theo Điều 141 của Luật Đất đai. Nếu đất đã được sử dụng từ 15-10-1993 đến trước ngày 1-7-2004 và có ghi rõ diện tích đất ở, diện tích đó sẽ được xác định theo giấy tờ. Trong trường hợp không ghi rõ, diện tích đất ở sẽ được xác định theo hạn mức giao đất ở quy định tại Điều 195 và Điều 196 của Luật Đất đai. Phần diện tích còn lại, nếu là đất nông nghiệp, sẽ được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất. Nếu người sử dụng đất có nhu cầu chuyển đổi mục đích sang phi nông nghiệp và phù hợp với quy hoạch, họ sẽ phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định.

dat-nong-lam-truong-o-ba-vi-4.jpg
Hàng trăm hộ dân tại xã Vân Hòa, huyện Ba Vì đang sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường. Ảnh: Sơn Tùng

Đối với những hộ gia đình, cá nhân đã tự ý xây nhà trên đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường, việc cấp sổ đỏ cũng được quy định rõ: Nếu đất đã được sử dụng trước ngày 15-10-1993, diện tích đất ở sẽ được công nhận theo Điều 141 của Luật Đất đai. Nếu diện tích đất vượt hạn mức, người sử dụng sẽ phải nộp tiền cho phần diện tích vượt đó. Trường hợp đất được sử dụng từ 15-10-1993 đến trước ngày 1-7-2014, diện tích đất ở sẽ được công nhận theo hạn mức giao đất ở quy định tại Điều 195 và Điều 196 của Luật Đất đai.

Ngoài ra, đối với những hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất lấn chiếm tại khu vực không có ban quản lý rừng, họ sẽ được cấp sổ đỏ để sử dụng vào mục đích bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ theo hạn mức quy định tại Điều 176 của Luật Đất đai. Nếu diện tích đất vượt hạn mức, phần diện tích còn lại sẽ được ưu tiên giao cho các đối tượng khác theo quy định.

Người dân mong đợi từ Luật

Việc cấp sổ đỏ cho người dân có nguồn gốc từ đất nông, lâm trường trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác đang gặp nhiều khó khăn. Do chưa được cấp giấy tờ đầy đủ, nhiều hộ dân đã sử dụng đất không đúng mục đích, tự ý chuyển nhượng và xây dựng tài sản trên đất, khiến việc quản lý đất đai trở nên phức tạp.

Ông Nguyễn Tiến Dương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La cho biết, khó khăn lớn nhất là đất nông, lâm trường chưa được đo đạc, cắm mốc rõ ràng, dẫn đến tranh chấp và bất cập trong việc bàn giao đất cho địa phương. Việc phân định ranh giới và cấp sổ đỏ cho người dân vẫn là thách thức lớn.

dat-nong-lam-truong-o-ba-vi-7.jpg
Nhiều hộ dân đã sinh sống ổn định tại xã Yên Bài, huyện Ba Vì từ 30-40 năm nay, nhưng do đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường nên chưa được cấp sổ đỏ. Ảnh: Sơn Tùng

Tại Hà Nội, đặc biệt ở huyện Quốc Oai, các xã Đông Yên, Hòa Thạch, Phú Cát đều có đất nguồn gốc nông trường, gặp nhiều khó khăn. Từ năm 1988, Nông trường Chè Long Phú đã giao đất trồng chè cho các hộ dân, với mỗi hộ được cấp 250m² đất thổ cư để sinh sống. Theo chính sách của UBND tỉnh Hà Tây (cũ), mỗi hộ được giao 5.000m² đất, trong đó có 200m² là đất thổ cư. Sau khi nông trường chuyển đổi mô hình hoạt động thành công ty cổ phần hóa và bàn giao hồ sơ cho chính quyền địa phương, nhiều hồ sơ bị thất lạc hoặc không hoàn thiện.

Ông Phạm Quang Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai cho biết, toàn huyện có hơn 500ha đất nông trường, chủ yếu thuộc Công ty cổ phần Chè Long Phú. Tuy nhiên, hiện thành phố vẫn chưa ban hành hướng dẫn cụ thể về quy trình cấp sổ đỏ cho loại đất này, khiến việc quản lý đất đai và trật tự xây dựng tại địa phương tiếp tục gặp nhiều vướng mắc.

Tại huyện Ba Vì, nơi có hơn 10.000ha đất nông, lâm trường, vấn đề cấp sổ đỏ cũng đang là mối quan tâm lớn. Ông Dương Văn Hùng, Trưởng thôn Quảng Phúc, xã Yên Bài cho biết, thôn có gần 1.000 hộ sử dụng đất từ nông, lâm trường. Bản thân gia đình ông thuộc đối tượng di dân đến Yên Bài, từ năm 1989, được huyện và nông trường giao sử dụng gần 10.000m² bao gồm cả đất ở và đất trồng cây lâu năm. Từ đó đến nay, gia đình ông đã có 3 thế hệ sinh sống tại địa phương nhưng quyền lợi về cấp sổ đỏ vẫn chưa được giải quyết. Trong bối cảnh các mô hình homestay và du lịch nghỉ dưỡng phát triển, nhiều hộ dân không thể chuyển đổi mô hình kinh tế vì các vướng mắc pháp lý. "Chúng tôi mong Luật Đất đai đã rõ ràng thì chính quyền cần quyết liệt hơn nữa để đưa luật vào cuộc sống, giải quyết quyền lợi chính đáng cho người dân", ông Hùng bày tỏ.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại các xã Tản Lĩnh, Khánh Thượng, Vân Hòa và Minh Quang... của huyện Ba Vì. Anh Nguyễn Văn Quyết, thôn Liên Bu, xã Minh Quang, sử dụng 300m² đất làm nhà ở từ nhiều năm nhưng chưa được cấp sổ đỏ. Anh cho biết: "Gia đình muốn sửa nhà, phát triển mô hình dịch vụ mới nhưng không dám làm vì thiếu pháp lý. Làm ăn phải tạm bợ, không thể phát triển bền vững".

dat-nong-lam-truong-o-ba-vi-2.jpg
Nhiều hộ dân sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường tại xã Thạch Hòa, huyện Quốc Oai mong chờ Luật Đất đai 2024 để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ảnh: Sơn Tùng

Bà Nguyễn Thị Nam, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Vì chia sẻ: Qua nhiều kỳ tiếp xúc cử tri, năm nào người dân cũng kiến nghị sớm bàn giao đất nông, lâm trường về địa phương và cấp sổ đỏ cho các hộ đã sinh sống ổn định từ nhiều đời. Huyện đã báo cáo và đề xuất với cấp có thẩm quyền, mong thành phố hỗ trợ kinh phí đo đạc tổng thể và ra quyết định thu hồi đất không còn phù hợp, bàn giao cho địa phương quản lý từ đó làm cơ sở để địa phương thực thi theo Luật Đất đai mới.

Hiện, trên địa bàn Hà Nội có 57 nông, lâm trường với diện tích lớn, phần lớn đã chuyển mô hình hoạt động và bàn giao đất cho chính quyền quản lý. Việc cấp sổ đỏ là cần thiết, không chỉ giúp người dân yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất mà còn góp phần giải quyết các tranh chấp đất đai, trật tự xây dựng ở địa phương.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy:
Phải giải quyết dứt điểm các tranh chấp

bo-truong-bo-tnmt.jpg

Để giải quyết khó khăn trong việc cấp sổ đỏ cho đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện và phổ biến các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024. Đặc biệt, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp và ban quản lý rừng.

Cần quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc tổ chức thẩm định, phê duyệt phương án sử dụng đất, cấp sổ đỏ cho diện tích được các công ty nông, lâm nghiệp tiếp tục quản lý. Đồng thời, các địa phương cần tổ chức tiếp nhận hoặc thu hồi phần diện tích đất do các công ty bàn giao lại.

Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị ngân sách trung ương hỗ trợ kinh phí cho các địa phương gặp khó khăn về tài chính. Nguồn lực này sẽ giúp thực hiện việc đo đạc, cắm mốc giới, lập hồ sơ địa chính, cấp sổ đỏ và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho các công ty nông, lâm nghiệp cũng như các ban quản lý rừng.

Việc rà soát, cắm mốc giới, đo đạc lập bản đồ địa chính và lập phương án sử dụng đất phải được thực hiện kỹ lưỡng đối với những công ty nông, lâm nghiệp và ban quản lý rừng không thuộc diện sắp xếp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP.

Giải quyết dứt điểm các tranh chấp và khiếu nại về đất đai giữa nông, lâm trường với người dân là yếu tố then chốt để tránh phát sinh những mâu thuẫn, bức xúc tại địa phương.

Ông Nguyễn Đắc Lực, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quốc Oai:
Cần sớm kết thúc thanh tra

anh-luc.jpg

Huyện Quốc Oai hiện có khoảng 500ha đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường. Sau khi cổ phần hóa, Công ty cổ phần Chè Long Phú đã bàn giao hơn 200ha cho địa phương quản lý. Việc bàn giao này dù đã diễn ra từ nhiều năm, nhưng vẫn chưa được thực hiện trên thực tế, gây khó khăn trong công tác quản lý của chính quyền địa phương. Đặc biệt, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang tiến hành thanh tra việc sử dụng đất của Công ty cổ phần Chè Long Phú, khiến việc cấp sổ đỏ cho các hộ dân gặp nhiều trở ngại.

Chúng tôi mong Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sớm có kết luận thanh tra, sau đó đưa ra phương án thu hồi phần đất còn lại và giao cho chính quyền địa phương quản lý. Từ đó, địa phương mới có thể phối hợp với các sở, ngành, thành phố lập phương án sử dụng cụ thể, phân loại đất đai và tiến hành cấp sổ đỏ cho người dân. Quyền lợi chính đáng cho người dân đã chờ đợi nhiều năm.

Chủ tịch UBND xã Yên Bài (huyện Ba Vì) Nguyễn Văn Lập:
Cấp sổ đỏ giúp giải quyết từ an sinh xã hội đến quản lý đất đai

chu-tich-xa-yen-bai-bv.jpg

Việc quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường trên địa bàn xã Yên Bài đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc bảo đảm quyền lợi cho người dân. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền, song vấn đề này vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Điều đáng nói, dù nông trường đã chuyển đổi mô hình hoạt động và đã bàn giao nhân khẩu về địa phương quản lý từ lâu, nhưng vấn đề đất đai vẫn chưa được bàn giao trên thực địa. Nhiều hộ dân đã sinh sống ở đây từ 40 đến 60 năm, song vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Điều này không chỉ làm thiệt thòi quyền lợi của người dân, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến trách nhiệm quản lý đất đai của chính quyền địa phương. Khi đất không được bàn giao đầy đủ, việc quản lý và sử dụng đất trở nên phức tạp, gây khó khăn trong việc xác định ranh giới và quyền sở hữu.

Chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng sớm tiến hành đo đạc, phân loại đất để có phương án giải quyết triệt để. Cần xác định rõ đất giao cho các hộ theo diện kinh tế mới, hộ giao khoán, hộ chia tách qua các thế hệ, hay những hộ thuộc diện di dân... Trên cơ sở đó, cần nhanh chóng cấp sổ đỏ cho từng nhóm hộ, giúp họ ổn định cuộc sống và có cơ sở pháp lý để phát triển kinh tế.

Việc cấp sổ đỏ không chỉ mang lại an sinh xã hội cho người dân, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho chính quyền trong công tác quản lý đất đai. Khi các hộ dân được cấp sổ đỏ, họ sẽ có tâm lý ổn định hơn, từ đó đầu tư cải tạo đất, phát triển sản xuất nông nghiệp hoặc kinh doanh dịch vụ. Điều này cũng sẽ giúp giảm thiểu các vi phạm về trật tự xây dựng và tranh chấp đất đai, tạo ra hiệu quả kép trong việc quản lý tài nguyên đất đai và phát triển kinh tế địa phương.

Sơn Tùng ghi

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khó khăn trong cấp “sổ đỏ” cho đất có nguồn gốc nông, lâm trường: Người dân mong chờ Luật Đất đai đi vào thực tiễn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.