(HNM) - Thị trường lao động, việc làm dịp cuối năm luôn diễn ra sôi động, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thực tế này đặt ra cho cả người lao động và chủ sử dụng lao động cần cân nhắc, tìm hiểu kỹ lưỡng để bảo vệ quyền lợi của chính mình.
Với các doanh nghiệp, siêu thị, cơ sở sản xuất kinh doanh ở làng nghề, hộ gia đình, cuối năm luôn là thời điểm có nhu cầu lớn lao động để đáp ứng yêu cầu công việc. Tuy nhiên, phần lớn trong số này là tuyển người làm việc theo giờ hoặc thời vụ, không ổn định, yếu tố ràng buộc không cao. Lợi dụng điều này nhiều đối tượng đã đưa ra lời quảng cáo “đường mật”, hấp dẫn để đánh lừa người “nhẹ dạ, cả tin”, thực hiện hành vi lừa đảo, trộm cắp…
Điều đáng nói là hiện nay, thông qua mạng xã hội, internet, nhiều đối tượng với mục đích xấu đã đăng tải thông tin tuyển dụng để nhanh chóng tiếp cận người có nhu cầu. Hình thức tìm việc nhanh gọn, dễ dàng này thu hút đông đảo sự quan tâm của giới trẻ, sinh viên, người cần việc. Trong khi phần lớn những người này lại thiếu kinh nghiệm thực tế nên rất dễ rơi vào bẫy "việc nhẹ, lương cao".
Thị trường lao động dịp cuối năm với nhu cầu “việc cần người” và “người cần việc” tăng cao là xuất phát từ thực tế và nếu làm tốt việc kết nối cung - cầu, sẽ giải quyết được việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động; đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhưng thực tế vẫn có tình trạng nhiều doanh nghiệp không tuyển được nhân sự đáp ứng yêu cầu công việc, còn người lao động phải làm những việc chưa phù hợp với bản thân. Do đó, vấn đề quan trọng hiện nay là phát triển một thị trường lao động lành mạnh hay nói cụ thể hơn là làm thế nào để “cung” gặp “cầu” và ngược lại.
Trước tiên, các cấp, ngành, đơn vị chức năng và doanh nghiệp cần làm tốt công tác thông tin thị trường lao động. Việc này rất quan trọng để hai bên (người lao động và người sử dụng lao động) cùng tiếp cận được những thông tin chính thống, phù hợp nhu cầu. Hiện nay, kênh thông tin từ trung tâm dịch vụ việc làm, hội chợ việc làm, phiên giao dịch việc làm… cho thấy rất hữu ích, đã giúp nhiều lao động tìm được công việc ưng ý, ổn định. Do vậy, những hình thức này cần được tăng tần suất tổ chức, nhất là vào dịp cuối năm, nhưng phải cung cấp được thông tin chất lượng, đa dạng, phong phú, đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau.
Song song với việc trên là làm tốt công tác xây dựng, cập nhật bản tin thị trường lao động. Những thông tin mang tính tổng hợp, dự báo sát tình hình thực tế sẽ giúp người lao động, doanh nghiệp có cái nhìn khách quan, đa chiều và chủ động.
Về lâu dài, để có thị trường lao động bền vững, lành mạnh, các cơ quan chức năng cần định hướng cho doanh nghiệp cách sử dụng lao động hợp lý, đúng pháp luật. Đồng thời, dự báo chính xác những ngành nghề cần nhiều nhân lực vào dịp cuối năm.
Ở góc độ doanh nghiệp, ngoài việc cung cấp thông tin tin cậy, cần xây dựng kế hoạch sử dụng lao động, tránh sự thiếu hụt trong từng thời kỳ, thời điểm. Đặc biệt, cách tốt nhất giữ chân người lao động là sự quan tâm của doanh nghiệp đến đời sống của họ, làm sao để mối quan hệ giữa chủ doanh nghiệp - công nhân được thực thi bằng những quy định của pháp luật.
Còn người lao động nên nhạy bén nắm bắt cơ hội việc làm. Muốn vậy, cần chủ động học hỏi, tự trang bị kiến thức, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu công việc và tránh được những “bẫy việc làm” gây thiệt hại không đáng có cho bản thân. Một vấn đề đặc biệt lưu ý là phải ký kết hợp đồng lao động với chủ sử dụng, kể cả làm ngắn hạn, theo giờ để nếu xảy ra sự cố sẽ được pháp luật bảo vệ.
Từ nay đến cuối năm, nguồn cung việc làm sẽ không ít, người lao động phải biết “liệu cơm gắp mắm”, tìm cho mình công việc phù hợp, có thu nhập ổn định để bảo đảm cuộc sống được tốt hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.