Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề cao trách nhiệm người đứng đầu

Hương Ly| 24/08/2017 07:23

(HNM) - Trong những tháng đầu năm 2017, các cơ quan thi hành án dân sự TP Hà Nội đã thụ lý trên 38 nghìn vụ việc, trong đó, số vụ việc đã thi hành xong tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động của các cơ quan thi hành án dân sự TP Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Ảnh: Văn Dũng


Chuyển biến về nhận thức và hành động


Căn cứ đặc thù công việc của ngành, Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội đã triển khai sâu rộng Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" gắn với nhiệm vụ chính trị và thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU của Thành ủy Hà Nội về "Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự trong tình hình mới".

Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội Lê Quang Tiến cho biết: Việc xây dựng tiêu chí "làm theo" Bác được Cục triển khai gắn với công việc chuyên môn, trong đó xác định trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, đơn vị trong chỉ đạo giải quyết các đầu việc, vụ việc; đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Người đứng đầu phải trực tiếp đôn đốc, kịp thời chỉ đạo nghiệp vụ đối với các hồ sơ vướng mắc, khó thi hành, các vụ việc khiếu nại phức tạp, trọng điểm, không để tồn đọng, kéo dài. Qua đó, tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, đơn vị, thúc đẩy kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Tính từ ngày 1-10-2016 đến 30-6-2017, các cơ quan thi hành án dân sự thành phố đã thụ lý trên 38 nghìn vụ việc, tăng hơn 3,9 nghìn vụ (tăng 11%) so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, số vụ việc đã thi hành xong là 17.586 vụ việc trên tổng số 28.843 vụ việc có điều kiện thi hành, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả thi hành án dân sự về tiền, toàn ngành đã thụ lý trên 21,6 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 7.200 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước...

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp thành phố Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá, việc thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU gắn với Chỉ thị 05-CT/TƯ đã tạo ra sự chuyển biến về nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, ngành, đoàn thể và nhân dân, qua đó giúp công tác thi hành án dân sự đạt được những kết quả tích cực. Bên cạnh việc giáo dục, thuyết phục các tổ chức, công dân tự nguyện thi hành án, các cơ quan thi hành án dân sự thành phố luôn coi trọng công tác kiểm tra, tự kiểm tra, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những thiếu sót về chuyên môn nghiệp vụ.

Cán bộ phải "chí công, vô tư"

Theo ông Lê Quang Tiến, mặc dù đã đạt kết quả tích cực, song vướng mắc hiện nay nằm ở các vụ việc liên quan đến lĩnh vực tín dụng, ngân hàng. Tổng số vụ việc phải giải quyết dạng này trên địa bàn TP Hà Nội là 3.194 vụ, tương ứng số tiền trên 12,5 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, việc xử lý tài sản bảo đảm còn khó khăn. Hiện cơ quan thi hành án mới giải quyết được 177 việc với hơn 1.200 tỷ đồng. Bên cạnh đó, những sai sót trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ dù được hạn chế nhưng vẫn tồn tại.

Từ nay đến cuối năm, Cục Thi hành án dân sự thành phố sẽ thực hiện các giải pháp để thi hành xong trên 70% về việc và trên 30% về tiền trên tổng số án có điều kiện thi hành. Để hoàn thành mục tiêu đặt ra, toàn ngành tập trung chỉ đạo nhằm tăng về kết quả giải quyết số việc, số tiền, giảm tỷ lệ án tồn đọng, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Trong đó, ngành cố gắng nâng cao kết quả thu hồi tài sản trong lĩnh vực án kinh tế; rà soát các bản án tuyên không rõ, khó thi hành để giải thích hoặc báo cáo cấp trên. "Một trong giải pháp quan trọng để cơ quan thi hành án dân sự hoàn thành nhiệm vụ là tiếp tục đề cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, thực hiện tốt việc "làm theo" Bác" - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Lê Quang Tiến cho biết.

Đặc biệt nhấn mạnh việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, tại buổi làm việc với đơn vị mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đề nghị Cục Thi hành án dân sự thực hiện nghiêm lời dạy của Bác. Đó là đối với người cán bộ tư pháp phải: “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”.

Đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng nhấn mạnh, đội ngũ cán bộ thi hành án là những người trực tiếp tiếp xúc với dân, nên phải mẫu mực trong thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố. Cùng với đó là đẩy mạnh kiểm tra nội bộ, hạn chế thấp nhất số cán bộ, công chức vi phạm; đồng thời phát huy tinh thần dân chủ, đoàn kết nhằm hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đề cao trách nhiệm người đứng đầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.