Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề cao tính kỷ luật

Hoàng Lê| 08/04/2020 16:38

(HNMCT) - Công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam đang ở giai đoạn cấp bách. Ngày 30-3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi gửi đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn để chiến thắng đại dịch.

Ngày 31-3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, yêu cầu thực hiện nghiêm việc cách ly, giãn cách xã hội, hạn chế tối đa việc ra ngoài nếu không thật sự cần thiết.

Tại Hà Nội, Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội cũng ban hành Chỉ thị số 31/CT-TU và Chỉ thị số 05/CT-UBND về thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch trên địa bàn Thủ đô...

Từ lời kêu gọi, yêu cầu, giải pháp được đặt ra, có thể hiểu rõ là trong giai đoạn cao điểm này, việc số ca nhiễm có dừng lại, dịch có được khống chế thành công hay không... không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực hành động tích cực, sáng tạo của Chính phủ, chính quyền các địa phương, bộ, ngành liên quan và lực lượng đang ở tuyến đầu chống dịch như chúng ta đã thấy, mà còn phụ thuộc vào sự chung tay vào cuộc bằng hành động đúng đắn của toàn thể nhân dân. Nếu từng người không giữ kỷ luật phòng dịch, không tuân thủ quy định, khuyến cáo, yêu cầu đã được đề ra mà làm theo sở thích, thói quen cá nhân, mỗi người nhìn về một hướng thì tất yếu xuất hiện nguy cơ dịch bệnh bùng phát mạnh hơn, thậm chí tới mức không thể kiểm soát một cách chủ động.

Có thể kiểm nghiệm thực tế để thấm thía hơn yêu cầu nói trên. Trong giai đoạn đầu, khi phát hiện ca bệnh số 1 và số 2 vào ngày 23-1, Việt Nam đã làm rất tốt việc hạn chế sự lây lan, chữa khỏi cho cả 16 ca mắc vi rút SARS-CoV-2 và có khoảng thời gian tới hơn 20 ngày không phát hiện ca nhiễm mới. Tình thế mới bắt đầu từ tối 6-3, khi những chuyến bay nối nhau đưa khách quốc tế, người Việt sinh sống, lao động, học tập ở nước ngoài về Việt Nam mang theo hành khách dương tính với SARS-CoV-2. Chúng ta vẫn thực hiện tốt việc phòng, chống lây nhiễm và chăm sóc y tế cho các ca bệnh, tuy nhiên, do một số người có nhận thức không đầy đủ về sự cần thiết phải khai báo y tế, không giữ kỷ luật về cách ly mà tình hình trở nên phức tạp, khó lường hơn. Gần đây, khi việc xác định nguồn lây với một số ca nhiễm trở nên rất khó khăn thì công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã ở vào tình thế vô cùng cấp bách. Tình thế đó đòi hỏi biện pháp phòng, chống dịch chưa có tiền lệ, như đã được xác định rõ ở Việt Nam là “chống dịch như chống giặc”, cách tiếp cận với tâm thế “thời chiến” khi cần. Đó là lý do dẫn đến đòi hỏi đề cao tính kỷ luật, nhận thức rõ hơn về yêu cầu giữ gìn kỷ cương, tuân thủ luật pháp ở từng người dân, từng cơ quan, đơn vị.

Những ngày này, đại đa số nhân dân đã nêu cao ý thức phòng dịch, đoàn kết cùng nhau đáp ứng yêu cầu hạn chế ra ngoài, góp sức người sức của ủng hộ lực lượng đang ở tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Nhiều người, nhiều doanh nghiệp đã hy sinh quyền lợi cá nhân để chấp hành chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch. Nhưng cũng có những trường hợp không làm tốt điều đó, bằng chứng là có một số người bị phạt hành chính do không đeo khẩu trang hoặc không có lý do chính đáng khi ra đường; tụ tập đông người trong khách sạn, nhà hàng; sử dụng phương tiện vận chuyển hành khách phục vụ cùng lúc nhiều người... Đó là điều cần phải bị lên án, là cơ sở thực tế để cơ quan quản lý địa bàn xây dựng phương án cụ thể hơn, hiệu quả hơn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất hành vi vô kỷ luật, khuyến khích cộng đồng thay đổi thói quen theo hướng thích ứng với yêu cầu phòng, chống dịch.

Thay đổi thói quen, tự khép mình vào kỷ luật và tạm hài lòng với điều kiện sống trong mùa dịch là việc không đơn giản, nhất là khi có nhiều người bị ảnh hưởng về sinh kế, thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần. Chính phủ, bộ, ngành và chính quyền các địa phương đã có nhiều biện pháp hỗ trợ lực lượng ở tuyến đầu, doanh nghiệp, người dân nói chung và người có hoàn cảnh khó khăn nói riêng... Tuy nhiên, từng người trong chúng ta cần ý thức rõ về yêu cầu chấp hành kỷ luật phòng dịch trong tình hình hiện nay, khi nguồn lây khó xác định rõ ràng như trước, và biến điều đó thành nếp ứng xử, phương châm hành động hằng ngày nhằm bảo vệ an toàn cho mình, gia đình và cộng đồng. Chỉ có như vậy thì Chính phủ, chính quyền các cấp và cơ quan chuyên môn mới có thể rảnh tay xác định chính xác nguồn lây nhiễm, khoanh vùng, cách ly, dập dịch một cách nhanh chóng, hiệu quả. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề cao tính kỷ luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.