(HNMO) - Sáng 9-12, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ mười, các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội chất vấn, tái chất vấn kết quả thực hiện các kết luận chất vấn, những cam kết, lời hứa của UBND thành phố và các cơ quan tại kỳ họp thứ ba, kỳ họp thứ bảy của HĐND thành phố nhiệm kỳ 2021-2026. Trong đó, việc đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án liên quan đến đời sống dân sinh được các đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi với đại diện lãnh đạo các sở, ngành và UBND thành phố.
Nhiều dự án chậm triển khai thực hiện
Đại biểu Nguyễn Minh Tuân (Tổ huyện Phú Xuyên) đặt câu hỏi, dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) đoạn Km19+900 - Km41+500 theo hình thức hợp đồng BT, được chất vấn tại kỳ họp thứ bảy của HĐND thành phố, UBND thành phố cam kết đến ngày 15-7-2022 sẽ chỉ đạo Thanh tra thành phố Hà Nội rà soát tổng thể dự án và đến tháng 9-2022, thành phố sẽ quyết định các nội dung liên quan đến việc triển khai dự án. Theo các báo cáo và chỉ đạo của thành phố, trước ngày 30-11-2022, nhà đầu tư và doanh nghiệp phải thống nhất phương án giải quyết, sau thời gian trên, không thống nhất được, thành phố sẽ chấm dứt hình thức BT để chuyển sang đầu tư công. Vậy việc thực hiện này được Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai ra sao và khi nào tiếp tục thi công dự án này?
Đại biểu Vũ Ngọc Anh (Tổ quận Bắc Từ Liêm) cho biết, ngay sau phiên chất vấn kỳ họp thứ ba của HĐND thành phố kết thúc, nhiều cử tri quận Đống Đa vui mừng trước lời hứa của Phó Chủ tịch UBND thành phố và lãnh đạo Sở Tài Nguyên và Môi trường về việc hoàn thành thu hồi khu đất số 6 phố Đào Duy Anh để tập trung đầu tư xây dựng dự án Trường Mầm non và Trường Tiểu học Phương Liên. Tuy nhiên, đến nay, qua nhiều kỳ họp, dự án vẫn chưa có chuyển biến, Thường trực HĐND thành phố có văn bản đề nghị UBND thành phố triển khai thực hiện. Vậy trách nhiệm cá nhân của các đơn vị, sở, ngành liên quan ra sao và khi nào khu đất này được bàn giao cho quận Đống Đa triển khai thực hiện?
Đại biểu Lê Kim Anh (Tổ quận Ba Đình) đặt câu hỏi về việc chậm triển khai dự án trụ sở văn phòng tại số 31, 33 và 35 phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm. Đây là khu “đất vàng” của thành phố, dù thành phố đã có cam kết rà soát điều chỉnh thiết kế đô thị, không gian khu vực này và hoàn thành năm 2022 để triển khai xây dựng quý I-2023, song trên thực tế, trong báo cáo giải trình của UBND thành phố chưa nêu rõ các phương án chỉ đạo và chưa nói rõ có bảo đảm thời gian cam kết với cử tri hay không?
Đại biểu Vũ Mạnh Hải (Tổ huyện Thường Tín) đặt câu hỏi cho Sở Kế hoạch và Đầu tư về dự án khu hỗn hợp văn phòng, thương mại, dịch vụ, nhà hàng và giải trí tại số 153 phố Yên Phụ, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ đã được HĐND thành phố chất vấn tại kỳ họp thứ ba tháng 12-2021, song đến nay vẫn chưa chuyển biến. Vậy nguyên nhân, trách nhiệm, phương án cụ thể của thành phố về việc dừng dự án này ra sao?
Còn đại biểu Hoàng Thị Tú Anh (Tổ huyện Phúc Thọ) đặt câu hỏi, dự án Bệnh viện Hải Châu, huyện Thanh Trì đã được HĐND thành phố giám sát năm 2018 và được chất vấn tại kỳ họp thứ ba tháng 12-2021, song đến nay vẫn chưa có chuyển biến, chưa triển khai xây dựng. Đại biểu đề nghị lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết trách nhiệm và giải pháp với việc triển khai dự án trên?
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Minh Tuân (Tổ huyện Phú Xuyên), Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) đoạn Km19+900 - Km41+500 theo hình thức hợp đồng BT, chuyển về thành phố Hà Nội có một thời gian khá dài. Trên cơ sở có mâu thuẫn giữa chủ đầu tư là Tổng công ty Công trình giao thông 5 (Cienco 5) và doanh nghiệp dự án là Công ty cổ phần Địa ốc Cienco 5 Land, quá trình này gặp đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh Thanh tra Chính phủ, cơ quan an ninh vào điều tra... nên ảnh hưởng đến tiến độ.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, UBND thành phố đã giao cho Thanh tra thành phố vào thanh tra dự án này. Đến ngày 24-8-2022, Thanh tra thành phố đã có văn bản số 3271 báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát tổng thể dự án. Trên cơ sở này, thành phố đã chỉ đạo vấn đề về đất đai, giao thông. Ngày 25-10-20022, UBND thành phố đã có văn bản thông báo, theo đó để bảo đảm quyền, lợi ích của của Nhà nước, thành phố và nhân dân, phải đưa dự án vào khai thác, không thể chờ đợi, mặc dù doanh nghiệp có phức tạp. UBND thành phố đề nghị trước ngày 30-11-2022, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án có phương án thống nhất đảm bảo cơ sở pháp lý để giải quyết vướng mắc và cam kết tiến độ thực hiện dự án đầu tư BT đảm bảo tuân thủ pháp luật và có tính kế thừa.
“Nếu nhà đầu tư và doanh nghiệp không đạt được thỏa thuận tiến độ, không bảo đảm cam kết đầu tư thì thành phố sẽ thu hồi dự án để bảo đảm lợi ích của thành phố và nhân dân. Trên cơ sở này, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, chuẩn bị sẵn phương án để dừng. Với sự quyết liệt của UBND thành phố, mong mỏi của các huyện thì trước ngày 30-11-2022, tổng công ty và công ty đã đạt được thỏa thuận và có cam kết triển khai dự án trong thời gian tới. Thời gian tới, UBND thành phố sẽ tiếp tục đưa ra cơ chế đầu tư BT phù hợp luật đầu tư, đối tác công tư. Chủ đầu tư đã cam kết trước năm 2025 sẽ triển khai xong”, Phó Chủ tịch UBND thành phố thông tin.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Vũ Ngọc Anh (Tổ quận Bắc Từ Liêm), Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định cho biết, năm 2019, UBND thành phố có quyết định thu hồi 1.901m2 đất tại số 6 phố Đào Duy Anh của Công ty TNHH Việt Anh để xây dựng trường học. Đến tháng 12-2019, UBND thành phố có văn bản giới thiệu cho công ty này sang quận Long Biên để thực hiện thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất làm dự án. Tháng 4-2022, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức bàn giao mốc giới cho quận, tuy nhiên, công ty này không ký bàn giao.
Vì thế, quận và Sở nhiều lần đốc thúc nhưng công ty này vẫn không ký biên bản bàn giao. Thời gian qua, do nhu cầu đầu tư xây dựng trường học của quận liên quan đến dự án số 6 phố Đào Duy Anh, quận đã báo cáo UBND thành phố và tháng 12 này, Sở Tài Nguyên và Môi trường chủ trì cuộc họp với quận và Công ty TNHH Việt Anh thống nhất biên bản, công ty này trong tháng 12 phải bàn giao hiện trạng cho quận Đống Đa để triển khai thực hiện dự án.
“Trong tháng 12 này, ngay sau khi nhận được bàn giao của Công ty TNHH Việt Anh thì quận sẽ triển khai đầu tư xây dựng ngay 2 điểm trường, gồm trường mầm non đang sử dụng tạm tại đình Kim Liên và mở rộng Trường Tiểu học Phương Liên. Như vậy, khi có mặt bằng thì quận sẽ xây dựng được 2 trường công đạt chuẩn quốc gia phục vụ nhu cầu học tập của con em trên địa bàn”, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định thông tin.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Kim Anh (Tổ quận Ba Đình) về việc chậm triển khai dự án trụ sở văn phòng tại số 31, 33 và 35 phố Lý Thường Kiệt, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, khu đất này có quy mô 2.240m2 gồm 3 mặt phố và thuộc quyền sử dụng của một ngân hàng. Theo Quy hoạch phân khu đô thị H1-1C được duyệt, khu đất nêu trên có thể xây dựng công trình cao tối đa 8 tầng, mật độ xây dựng tối đa 60%. Tuy nhiên, nhà đầu tư đề xuất xây dựng công trình cao tầng vượt chỉ tiêu cho phép của quy hoạch trong khu vực. UBND thành phố đã có chỉ đạo tại Thông báo số 451/TB-VP ngày 30-9-2020 giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc hướng dẫn chủ đầu tư lựa chọn phương án.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, đối với dự án trên tuyến phố Lý Thường Kiệt, sau khi có thông báo từ thành phố, đơn vị đã nhận nhiệm vụ và phối hợp với nhà đầu tư nghiên cứu để trình Sở Quy hoạch - Kiến trúc lên phương án thiết kế riêng cho khu đất này. Đơn vị cũng đã thông tin việc lập khu đô thị ở đây do quận Hoàn Kiếm chủ trì, đồng thời quận cũng đã phối hợp với nhà đầu tư lên phương án, lập kế hoạch để trình thành phố phê duyệt trong tháng 12-2022.
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, dự kiến đối với công tác chuẩn bị gồm 3 bước, đến nay, quận Hoàn Kiếm cơ bản hoàn thành xong việc thu thập số liệu, lên phương án thiết kế cho từng khu vực. Sau khi xong dữ liệu ban đầu và phê duyệt thiết kế, quận Hoàn Kiếm sẽ tiến hành báo cáo thành phố phương án cụ thể. Muộn nhất đến quý II-2023, UBND quận Hoàn Kiếm hoàn thành thủ tục để xin ý kiến chuyên gia, nhà khoa học trong các phương án thiết kế và triển khai.
Xử lý nghiêm những dự án cố tình chây ỳ
Phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng nay, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, trong phiên thứ nhất, đã có 9 đại biểu chất vấn, tái chất vấn kết quả thực hiện các kết luận chất vấn, những cam kết, lời hứa của UBND thành phố và các cơ quan tại kỳ họp thứ ba, kỳ họp thứ bảy của HĐND thành phố nhiệm kỳ 2021-2026. Trong đó, có 3 Phó Chủ tịch UBND thành phố và 5 giám đốc các sở, ngành và chủ tịch UBND hai quận trả lời chất vấn.
“Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, các đại biểu đặt câu hỏi chất vấn cụ thể, rõ ràng, đúng nội dung yêu cầu của kỳ họp. Công tác thúc đẩy các dự án đầu tư của thành phố luôn được HĐND, UBND thành phố lãnh đạo, chỉ đạo và tiếp tục chất vấn tại kỳ họp này. Nhờ đó, nhiều công trình, dự án đã có chuyển biến rõ nét trong việc đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một số dự án tiến độ còn chậm. Vì vậy, đề nghị UBND thành phố và các sở, ngành, đơn vị liên quan cần khẩn trương rà soát để chỉ đạo khắc phục những bất cập này; thúc đẩy tiến độ dự án và kiên quyết xử lý những dự án cố tình chây ỳ và chậm tiến độ”, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.