Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dạy nghề cho lao động nông thôn: Khó vẫn hoàn khó

Thúy Hằng| 23/11/2012 07:02

(HNM) - Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về

Đào tạo nghề cho người lao động tại Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề huyện Từ Liêm. Ảnh: Thu Giang


Sau hai năm quyết định nói trên có hiệu lực, nhưng nhiều lao động khu vực nông thôn (LĐNT) Hà Nội vẫn chưa biết đến. Không nắm bắt được chính sách của đề án, nên dù muốn học nghề, song không ít lao động (LĐ) vẫn băn khoăn, hoài nghi. Anh Nguyễn Trọng Toàn (thôn 1, xã Lại Yên, Hoài Đức) bộc bạch: "Cũng biết về chủ trương dạy nghề cho LĐNT, nhất là LĐ sau thu hồi đất, nhưng vợ chồng tôi cũng không dám đăng ký, bởi không có tiền đóng học phí, mà cũng chẳng biết học nghề gì". Cùng suy nghĩ như anh Toàn, chị Phùng Thị Hà, thị trấn Quốc Oai (Quốc Oai) cho hay: "Mất tiền, thời gian đi học thì không tiếc, song chỉ lo sau khi có nghề mới lại không tìm được việc làm hoặc thu nhập từ việc làm mới quá thấp".

Hoài Đức là huyện ven đô, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, nhường chỗ cho các khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ, khiến số LĐNT dôi dư ngày càng nhiều. Nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho LĐNT, nhiều năm nay Hoài Đức đã quan tâm tới công tác dạy nghề, truyền nghề cho LĐNT theo phương châm "dạy nghề dân cần, giúp dân sống được bằng nghề".

Từ năm 2006 đến năm 2011, huyện đã mở 77 lớp dạy nghề, riêng 9 tháng đầu năm 2012 đã tổ chức được 12 lớp cho 765 LĐNT, đạt 42,8% kế hoạch. Theo đánh giá của Trung tâm Dạy nghề huyện Hoài Đức, số LĐ được học nghề những năm qua chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng số LĐNT có nhu cầu học nghề trên địa bàn. Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ chưa sâu rộng, nhiều LĐNT chưa biết được quyền lợi của mình khi đi học. Ngoài ra, do kinh tế suy thoái, một số nghề như may công nghiệp, hàn… ít việc làm, lương thấp; tâm lý của đa số LĐNT trên địa bàn thích lao động phổ thông, kinh doanh - dịch vụ để "sáng cấy, chiều gặt", nên không thích học nghề...

Tại quận Hà Đông, tính từ năm 2005 đến tháng 6-2010 đã có 1.476ha đất bị thu hồi và cho thuê để phục vụ các dự án trên địa bàn… Hàng chục nghìn nông dân sau một thời gian ngắn đã không còn đất để sản xuất nông nghiệp. Năm 2007, quận Hà Đông lập chương trình giải quyết việc làm và dạy nghề theo từng giai đoạn, trong đó chú trọng đến LĐNT bị thu hồi đất. UBND quận đã điều tra, thống kê số LĐ thất nghiệp, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn để vạch ra định hướng cho công tác này. Theo Quyết định 1956, người bị thu hồi đất canh tác được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng) với mức tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học. Quận Hà Đông đã vận dụng tối đa các quy định của Nhà nước và thành phố. Với LĐ bị thu hồi đất và cận nghèo, quận hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo nghề, mức tối thiểu là 2 triệu đồng/lớp, mỗi đối tượng được tham gia học tối đa 3 lớp dạy nghề ngắn hạn (học dưới 1 năm) hoặc 1 lớp dạy nghề dài hạn (từ 1 đến 3 năm).

Đặc biệt, quận Hà Đông đã hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo nghề lái xe ô tô cho 1.000 LĐ. Ngoài ra, Trung tâm giới thiệu việc làm (TTGTVL) quận còn liên tục tổ chức tư vấn, phân công cán bộ về giám sát các lớp đào tạo và theo dõi, nắm bắt nhu cầu học nghề của người dân ở từng phường; kết thúc khóa học, trung tâm tiếp tục tư vấn, giới thiệu nghề mới, việc mới cho những người chưa tìm được việc làm phù hợp. Với nhiều ưu đãi như vậy, nhưng một số nghề vẫn không thể tuyển được người học như: phay, bào, xây dựng... Số liệu của TTGTVL quận Hà Đông, tính từ đầu năm 2012 đến nay các doanh nghiệp đã tuyển hơn 1.000 LĐ với mức lương thấp nhất là 2,5 triệu đồng/tháng, song nhiều người sau đó lại bỏ nghề do thấy chưa phù hợp, lương thấp, làm xa nhà…

Không những vậy, một số địa phương vẫn chưa thành lập được trung tâm dạy nghề như: Quốc Oai, Mỹ Đức, Phúc Thọ; có địa phương lúng túng khi xác định ngành, nghề đào tạo và việc phân bổ kinh phí đào tạo nghề hàng năm còn chậm, muộn. Về phía người LĐ, vẫn còn tình trạng thụ động với việc chọn và học nghề, không xác định mục tiêu sau đào tạo, gây lãng phí nguồn lực đầu tư. Với tình hình LĐ dôi dư ngày càng nhiều như hiện nay, nếu người LĐ không thay đổi suy nghĩ, không chủ động nắm bắt thời cơ tìm việc, thì công tác đào tạo nghề cho LĐNT sẽ không đạt kết quả cao…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dạy nghề cho lao động nông thôn: Khó vẫn hoàn khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.