Sau hơn 3 năm thực thi, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) không chỉ giúp gia tăng xuất khẩu mà còn là cơ hội để doanh nghiệp hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, ứng dụng các giải pháp hiện đại vào sản xuất, kinh doanh, tham gia sâu hơn chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp EU.
Nội dung này đã được các diễn giả bàn thảo tại tọa đàm với chủ đề “Liên kết với doanh nghiệp EU tận dụng hiệu quả EVFTA” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 6-10.
Sau 3 năm EVFTA đi vào thực thi, Việt Nam đã vươn lên thành đối tác thương mại lớn nhất của EU trong ASEAN và đứng thứ 11 trong số các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào EU. Đồng thời, EU cũng là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam.
Từ việc tăng cường liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp EU, các doanh nghiệp Việt Nam tiếp nhận được nguồn đầu tư chất lượng cao, công nghệ tiên tiến. Bên cạnh đó, với thuế nhập khẩu ưu đãi, giảm mạnh từ 10,2% năm 2022 còn khoảng 1% năm 2027, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tận dụng nguồn nguyên liệu với chi phí thấp hơn để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Từ câu chuyện của ngành cà phê, ông Lương Văn Tự - nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, không chỉ là thị trường quan trọng của ngành cà phê với 40% tổng sản lượng xuất khẩu, EU cũng là thị trường cung cấp thiết bị chính cho chế biến cà phê. Nhờ mức thuế giảm dần theo lộ trình của EVFTA, việc nhập thiết bị từ EU rất thuận lợi cho doanh nghiệp Việt.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phúc Sinh cho hay, 3 năm thực thi EVFTA, doanh nghiệp ngoại tới đầu tư, sản xuất và xuất khẩu để tận dụng thuế xuất thấp ngày càng nhiều. Điều này buộc doanh nghiệp trong nước phải đổi mới quản lý, sáng tạo trong cách làm để nâng cao tính cạnh tranh trong một thị trường mở.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp chưa nắm bắt tốt cơ hội trong liên kết với các đối tác từ EU. Để khắc phục, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, cần nâng tầm doanh nghiệp Việt lên để tham gia vào chuỗi giá trị thông qua công nghiệp hỗ trợ và liên kết, hợp tác kinh doanh.
“Các doanh nghiệp Việt Nam phải phát huy đổi mới sáng tạo, đầu tư về công nghệ, chất xám, con người để có thể hợp tác với các doanh nghiệp FDI một cách bình đẳng”, ông Toàn nhấn mạnh.
Có cùng quan điểm này, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nêu 5 điểm doanh nghiệp Việt cần lưu ý. Đó là phải có tư duy làm ăn bài bản, chuẩn chỉ; nâng cao trình độ quản trị, trình độ kỹ thuật; bảo đảm truy xuất nguồn gốc; quan tâm tới sở hữu trí tuệ và đặc biệt là quan tâm tới lao động, môi trường, phát triển bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.