(HNM) - Năm 2022, nhiều tổ chức trong nước và quốc tế dự báo kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ phục hồi, nhu cầu tiêu dùng gia tăng. Đây là cơ hội cho sản xuất và xuất khẩu tiếp đà tăng trưởng. Để tận dụng tốt cơ hội này, hoạt động xúc tiến thương mại cần tiếp tục được đổi mới, nhất là đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động.
Thời gian qua, các chương trình kết nối được Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội xây dựng kế hoạch và tổ chức với quy mô cấp tỉnh hoặc cấp vùng, có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất, nhà khoa học, nhà phân phối và người tiêu dùng, góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực, giữa các sở, ngành, đơn vị của Hà Nội với các sở, ngành, địa phương của các tỉnh, thành phố bạn. Cùng với đó, Trung tâm hỗ trợ các địa phương kinh nghiệm tổ chức kết nối, tiêu thụ nông sản, qua đó các địa phương đã chủ động trong tổ chức hoạt động quảng bá, xúc tiến, tiêu thụ nông sản một cách bài bản, đúng mùa vụ, đúng hướng, đạt mục tiêu và hiệu quả.
Thông qua các hoạt động này, nhiều sản phẩm có thế mạnh của các tỉnh được các doanh nghiệp phân phối lớn của Hà Nội tư vấn hỗ trợ về thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói, chất lượng sản phẩm… để đưa vào kênh phân phối hiện đại, không những tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội, mà còn có nhiều cơ hội để vào hệ thống phân phối tại nước ngoài như: Nhật Bản (Aeon), Hàn Quốc (Lotte), Thái Lan (BigC)... Đồng thời, triển khai tuần hàng Việt Nam tại hệ thống phân phối nước ngoài (hệ thống Aeon, Lotte, chợ đầu mối nông sản Rungis - Pháp...); thúc đẩy việc phát triển doanh nghiệp tư nhân của các hộ sản xuất khi muốn tham gia chuỗi cung ứng hoặc đưa hàng vào hệ thống bán lẻ hiện đại.
Năm 2022, nhiều tổ chức trong nước và quốc tế dự báo kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ phục hồi, nhu cầu tiêu dùng gia tăng. Để tận dụng tốt cơ hội này, hoạt động xúc tiến thương mại cần tiếp tục được đổi mới, nhất là đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động.
Chia sẻ về một số điểm sáng trong hoạt động xúc tiến thương mại, theo Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh, đầu tiên phải kể đến sự đổi mới, đa dạng hóa phương thức. Nếu như trước đây, công tác xúc tiến thương mại vẫn thường chỉ làm theo cách truyền thống như tổ chức các hội chợ, hội nghị, triển lãm… thì hiện đã được triển khai đa dạng, kết hợp linh hoạt trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số dưới dạng số hóa. Đây là một yếu tố rất quan trọng giúp cho hoạt động xúc tiến thương mại không bị gián đoạn, được đánh giá là cầu nối giao thương không thể thiếu trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại đã được đẩy mạnh ở những thị trường mà Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do. Do đó, các doanh nghiệp có thông tin nhiều chiều hơn, mở rộng phát triển trên nhiều lĩnh vực, từ nông sản, thực phẩm đã qua chế biến đến các mặt hàng cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, dệt may, da giày, logistics… Điều này giúp doanh nghiệp vừa duy trì và phát huy được các thị trường chủ lực, đồng thời mở ra thị trường mới.
Thực tế, việc tiêu thụ nông sản của nước ta chủ yếu là mặt hàng tươi, các mặt hàng qua chế biến vẫn còn hạn chế. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vừa qua, việc tiêu thụ nông sản, đặc biệt là nông sản có sản lượng lớn và có tính mùa vụ cao được Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố phối hợp cùng các sở, ngành quan tâm tháo gỡ mang lại hiệu quả tích cực.
Để công tác xúc tiến thương mại đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ Phạm Thị Ngọc Thủy cho rằng, trong bối cảnh mới, doanh nghiệp không hoàn toàn dựa vào nguồn lực của Nhà nước mà họ có thể tự làm, song điều họ mong chờ nhất là cơ quan xúc tiến thương mại hỗ trợ thiết kế các chương trình thực sự phù hợp, cũng như là cầu nối gắn kết cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với nhà mua hàng quốc tế một cách thường xuyên, liên tục.
Trong đó, công tác xúc tiến thương mại cần đẩy mạnh nâng cao chất lượng, đi vào các thị trường ngách, thị trường trọng tâm, trọng điểm giúp doanh nghiệp thấy rõ sự chuyển đổi tiêu dùng, thị trường trong và sau đại dịch Covid-19. Bên cạnh các hoạt động đang thực hiện, cơ quan xúc tiến thương mại có thể điều chỉnh để dồn lực nhiều hơn, đáp ứng các mục tiêu mà doanh nghiệp kỳ vọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.