Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy lùi nạn mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp

Hương Thủy| 07/09/2021 06:44

(HNM) - Thời gian qua, tình trạng mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp vẫn diễn biến phức tạp gây thất thu ngân sách nhà nước, tạo môi trường kinh doanh không lành mạnh. Để đẩy lùi, ngăn chặn tình trạng trên, ngành Thuế đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp.

Sử dụng hóa đơn điện tử là một trong những giải pháp ngăn chặn mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.

Theo thống kê của Tổng cục Thuế, trong 2 năm gần đây, cơ quan thuế đã tổng hợp các hành vi vi phạm mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và củng cố hồ sơ chuyển cho cơ quan công an hàng trăm trường hợp có dấu hiệu vi phạm. Trong đó, năm 2019 là 135 trường hợp và năm 2020 là 162 trường hợp. Từ đầu năm đến nay, tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp.

Gần đây nhất, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với 3 đối tượng về hành vi mua bán trái phép hóa đơn là Nguyễn Thị Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại vận tải xây dựng Phương Anh; Lê Thị Hồng Linh, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ thương mại vận tải Hùng Trang và Đinh Thị Nga, kế toán Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại vận tải xây dựng Phương Anh. Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại vận tải xây dựng Phương Anh và Công ty TNHH Dịch vụ thương mại vận tải Hùng Trang không có hoạt động kinh doanh thực tế để kê khai báo cáo thuế, xuất hóa đơn giá trị gia tăng không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo với giá dao động 5-8% giá trị hàng hóa, dịch vụ ghi trong hóa đơn để kiếm lời bất chính.

Trước đó, Công an thành phố Hà Nội phá đường dây 28 công ty “ma” do đối tượng Lê Thị Hạnh sinh năm 1985, quận Hoàng Mai cùng một số người lập nên để thực hiện mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng. Qua xác minh, các đối tượng đã mua bán trót lọt hơn 48.000 hóa đơn giá trị gia tăng với trị giá hơn 1.553 tỷ đồng…

Phó Chánh văn phòng Tổng cục Thuế Nguyễn Đức Huy cho biết, lợi dụng chính sách thông thoáng của Nhà nước về điều kiện thành lập doanh nghiệp, cơ chế tự khai, tự nộp thuế và cơ chế tự in, phát hành, quản lý sử dụng hóa đơn, một số cá nhân đã thành lập doanh nghiệp hoặc mua bán, sát nhập doanh nghiệp không vì mục đích kinh doanh mà với mục đích in, phát hành, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, mua bán hóa đơn để trốn thuế, hoàn thuế, kiếm lời bất chính. Hình thức, thủ đoạn không mới nhưng liều lĩnh, ngày càng phức tạp, hoạt động có tổ chức, diễn ra tinh vi liên quan đến nhiều đối tượng, tổ chức. Thủ đoạn khác là doanh nghiệp mua hóa đơn hoặc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để làm chứng từ “hợp pháp hóa” đầu vào, kê khai khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng…

Để đẩy lùi, ngăn chặn tình trạng trên, mới đây, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn đã yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các phòng thanh tra, kiểm tra, các Chi cục Thuế quận, huyện tăng cường rà soát, giám sát chặt chẽ, kịp thời đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao về hành vi in, phát hành, mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp; chủ động phối hợp với cơ quan cảnh sát điều tra hoặc chuyển hồ sơ xử lý theo quy định đối với người nộp thuế có hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp. Một giải pháp khác là cơ quan thuế các cấp nghiên cứu tập huấn để sẵn sàng cho việc triển khai sử dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc từ ngày 1-7-2022…

Về phía địa phương, tại Hà Nội đến nay 64,93% doanh nghiệp, tổ chức đã sử dụng hóa đơn điện tử. Cục Thuế Hà Nội cảnh báo các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm về thuế, về hóa đơn trên trang web của cơ quan thuế; thực hiện chương trình “Thư trao đổi thông tin với người nộp thuế” tới các doanh nghiệp nhằm trao đổi thông tin về chính sách thuế, nợ thuế, tình hình sử dụng hóa đơn…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đẩy lùi nạn mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.