(HNMO) – Ngày 27-10, Báo Kinh tế - Đô thị phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Công nghệ tái chế chất thải nhựa và các sản phẩm thân thiện môi trường”.
Toạ đàm tập trung thảo luận, làm rõ thực trạng công nghệ tái chế chất thải nhựa hiện nay; đồng thời hiến kế, đề xuất các giải pháp đưa sản phẩm thân thiện môi trường vào cuộc sống đạt hiệu quả tốt.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội, lượng rác thải nhựa phát sinh khoảng 500-600 tấn/ngày, trong đó phần lớn là sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông. Lượng rác thải nhựa này chủ yếu được chôn lấp cùng rác thải sinh hoạt, phế thải, xây dựng... nên nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất lớn.
Trước thực trạng này, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tham mưu UBND thành phố ban hành nhiều văn bản, công văn yêu cầu các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã thực hiện các giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa. Trong đó, từ ngày 1-11-2020, các cơ quan hành chính nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc thành phố phải gương mẫu đi đầu trong việc giảm thiểu chất thải nhựa; hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường...
Ngoài ra, thời gian qua, tại các quận, huyện, thị xã cũng triển khai thí điểm một số mô hình như: Phân loại rác thải tại nguồn; đổi rác thải nhựa lấy sản phẩm thân thiện môi trường; tuyên truyền trong học sinh, sinh viên về tác hại của rác thải nhựa...
Tuy nhiên, theo các chuyên gia môi trường, nhà quản lý, đây chỉ là giải pháp trước mắt, mới dừng ở cấp độ mô hình, dự án thí điểm chưa được nhân rộng. Do đó, để hạn chế đến mức thấp nhất rác thải nhựa ảnh hưởng đến môi trường, đòi hỏi các cấp bộ, ngành từ trung ương đến tỉnh, thành phố, xã, phường, thị trấn và từng người dân phải vào cuộc đồng bộ, triển khai các giải pháp căn cơ.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia môi trường kiến nghị các bộ, ngành sớm hoàn thiện chế định quản lý chất thải rắn trong dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) theo hướng coi chất thải và chất thải nhựa là tài nguyên, thực hiện tốt việc phân loại chất thải tại nguồn; thu gom, tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa. Ngành Công Thương phối hợp với ngành Tài nguyên và Môi trường lập chuỗi liên minh giới thiệu sản phẩm thân thiện môi trường, thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần...
Ngoài ra, các sở, ngành tham mưu thành phố Hà Nội có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhập công nghệ tái chế nhựa tiên tiến để chuyển hóa nhựa thành sợi polyester, một phần của vật liệu xây dựng, tạo ra các sản phẩm khác... nhằm góp phần giảm chất thải nhựa phát thải ra môi trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.