(HNM) - Kết nối internet băng rộng là điều kiện cần để chuyển đổi số. Vì thế, song hành với việc phát triển các ứng dụng, nền tảng số, những năm qua, các doanh nghiệp viễn thông đã đầu tư phát triển mạnh mẽ hạ tầng mạng lưới.
Đến nay, mạng di động 5G đã được cả 3 nhà mạng lớn là VinaPhone, Viettel, MobiFone triển khai thử nghiệm tại 16 tỉnh, thành phố. Thậm chí, Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội (Viettel) đã làm chủ công nghệ “lõi” của 5G. Trong khi đó, mạng 4G đã được các nhà mạng phủ sóng tới 99,8% dân số, mạng cáp quang băng rộng phủ sóng tới 100% xã, phường, thị trấn.
Thực tế, nhờ chất lượng kết nối internet ngày càng cao, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị đã có đủ điều kiện để đẩy mạnh chuyển đổi số. Giao dịch trực tuyến ở mọi lĩnh vực, từ giải quyết thủ tục hành chính đến thương mại, thanh toán... ngày càng phổ biến. Đặc biệt, trong gần 2 năm dịch Covid-19 xảy ra, nhu cầu sử dụng ứng dụng trực tuyến và chuyển đổi số tăng mạnh, các nhà mạng không chỉ cung cấp nhiều ứng dụng thiết thực mà còn đáp ứng yêu cầu kết nối internet để học tập, làm việc, giao dịch, giải trí... (có thời điểm tăng tới 95%). Nền tảng số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn... thông qua kết nối internet còn là công cụ hữu hiệu trong phòng, chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên, cũng có một thực tế là mức độ bảo đảm về hạ tầng quốc tế phục vụ kết nối internet cho người dùng Việt Nam hiện ở mức thấp. Việt Nam mới có 5 tuyến cáp quang biển, ít hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Vì vậy, mỗi khi các tuyến cáp quang biển gặp sự cố, chất lượng internet trong nước bị ảnh hưởng đáng kể mặc dù các nhà mạng đều đã dự phòng dung lượng, điều chỉnh hướng kết nối sang các tuyến cáp khác.
Theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động; phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển hạ tầng số, thu hẹp khoảng cách số. Trong đó, về hạ tầng, mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh; Việt Nam thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng... Để hoàn thành mục tiêu trên, trước hết các doanh nghiệp viễn thông phải tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng băng rộng, gồm cả cố định và di động tương đương với các nước hàng đầu trong khu vực. Vấn đề quan trọng hơn cả là việc đầu tư hạ tầng phải bằng nội lực của doanh nghiệp, không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao mà còn phải làm chủ được hạ tầng số, để hạ tầng viễn thông nhanh chóng chuyển dịch thành hạ tầng số. Trong đó làm chủ công nghệ 5G là mục tiêu cốt lõi. Song hành, các doanh nghiệp phải bảo đảm an toàn, an ninh mạng, tiến tới làm chủ không gian mạng quốc gia.
Cùng với đầu tư hạ tầng mạng lưới, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, việc khuyến khích sử dụng sản phẩm công nghệ trong nước sẽ giúp giảm thiểu ảnh hưởng khi cáp quang biển quốc tế gặp sự cố. Muốn vậy, các doanh nghiệp phải chủ động nghiên cứu, phát triển sản phẩm công nghệ nội địa có chất lượng, đáp ứng được những vấn đề mà người dân trong nước cần. Đây là hướng phát triển bền vững, giải quyết được cả vấn đề hạ tầng lẫn làm chủ công nghệ, nền tảng số.
Cuối cùng, cơ quan quản lý và các địa phương cần đồng hành với doanh nghiệp bằng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để doanh nghiệp nghiên cứu, đầu tư. Từ đó tạo bệ đỡ quan trọng giúp doanh nghiệp viễn thông hoàn thành sứ mệnh của mình trong quá trình chuyển đổi số quốc gia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.