(HNM) - Cả nước có khoảng 2.100 làng có nghề, 13 triệu lao động với thu nhập khoảng 0,7 - 3 triệu đồng/người/tháng. Các làng nghề đóng vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho nông dân lúc nông nhàn. Tuy nhiên, "đầu ra" cho sản phẩm làng nghề vẫn còn nhiều khó khăn.
Phụ nữ xã Tân Ước, huyện Thanh Oai sản xuất mũ, nón lá. Ảnh: Bá Hoạt |
Điểm yếu cố hữu
Trong số 2.100 làng có nghề của cả nước, nhiều làng nghề cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu những sản phẩm phong phú, đa dạng, rất được ưa chuộng. Sản phẩm làng nghề chủ yếu được tiêu thụ thông qua hợp đồng với doanh nghiệp hoặc cá nhân, đặc biệt là trong các đơn hàng xuất khẩu. Với 11 nhóm nghề chính như: sơn mài, gốm sứ, thêu ren, mây tre đan, cói, dệt, giấy, tranh dân gian, gỗ, đá... trải dài từ Bắc vào Nam, khoảng 2 triệu thợ thủ công chuyên nghiệp, các làng nghề đã xuất khẩu sản phẩm ra khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhược điểm cố hữu của các làng nghề là khả năng quảng bá, tiếp thị, khảo sát thị trường, nhất là thị trường nước ngoài để định hướng sản xuất, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, mẫu mã đáp ứng nhu cầu của thị trường còn nhiều hạn chế. Hầu hết làng nghề mới chỉ sản xuất sản phẩm sẵn có, chưa nắm bắt được nhu cầu của thị trường nên mẫu mã ít thay đổi, cải tiến cho phù hợp với thị hiếu tiêu dùng, chứ chưa nói đến định hướng được tiêu dùng.
Doanh nghiệp chủ động là chính
Là một trong những "cái nôi" làng nghề của cả nước, huyện Thường Tín có nhiều làng nghề lâu đời với những sản phẩm nổi tiếng như: sơn mài Duyên Thái, thêu Quất Động, Dũng Tiến, mây tre đan Ninh Sở, xương sừng Thụy Ứng, mộc cao cấp Vạn Điểm... Những địa phương có làng nghề phát triển mạnh là Nhị Khê, Duyên Thái, Vạn Điểm, Thắng Lợi, Quất Động, Nghiêm Xuyên. Làng nghề ở Thường Tín thu hút 75-85% trong tổng số lao động địa phương. Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, Giám đốc Cty CP Việt Phúc, các làng nghề đang cần được hỗ trợ từ chủ trương, vốn... đến đào tạo nghề, tạo động lực thúc đẩy kinh tế theo hướng sản phẩm có chất lượng, giá trị ngày càng cao, đặc biệt là tạo ra, duy trì ổn định việc làm cho người lao động.
Đã nhiều năm làm việc với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ sản xuất hàng tiểu thủ công mỹ nghệ tại các làng nghề truyền thống thuộc huyện Thường Tín, đến nay bà Hương cùng cộng sự đã tạo đầu ra cho hàng trăm nghìn sản phẩm làng nghề. Các sản phẩm chủ yếu Công ty Việt Phúc ký hợp đồng với làng nghề là các mặt hàng xương sừng, sơn mài, thêu... Theo bà Hương, hướng đi đúng để giữ gìn, phát triển làng nghề truyền thống theo mô hình sản xuất hàng hóa, kết hợp du lịch, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động là cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước - lao động làng nghề - doanh nghiệp. Theo đó, cần phải có quy hoạch vùng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như đường sá, hệ thống xử lý rác, nước thải... Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhà nghề phải liên kết chặt chẽ, sẵn sàng tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, phối hợp với doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh doanh các sản phẩm truyền thống và dịch vụ du lịch. Mặt khác, cần sớm tổ chức khảo sát mô hình làng nghề - dịch vụ du lịch tại các nước đã có những mô hình này thành công như Thái Lan, Indonesia, Malaysia...
Gắn bó và trăn trở nhiều năm với các làng nghề và sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, bà Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, để tránh tình trạng "chỉ sản xuất thứ mình có chứ không phải sản phẩm thị trường cần", lao động làng nghề cần được hỗ trợ đào tạo các kỹ năng tiếp cận thông tin xúc tiến thương mại, thiết kế tạo mẫu sản phẩm chuyên nghiệp... Mặt khác, cần sớm có cổng thông tin thương mại điện tử, lập câu lạc bộ hoặc hiệp hội làng nghề và xây dựng triết lý kinh doanh, văn hóa riêng của từng làng nghề.
Trước mắt, theo bà Hương, ở góc độ doanh nghiệp, Cty CP Việt Phúc sẽ tăng cường liên kết với các doanh nghiệp tại địa phương, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, chủ động thiết kế tạo mẫu để có thể nhanh chóng đưa sản phẩm tới thị trường trong và ngoài nước...
Trong khi các làng nghề còn gặp nhiều khó khăn thì sự chủ động của doanh nghiệp là yếu tố quyết định trong sự phát triển làng nghề. Đây không chỉ là mô hình mà còn là hướng đi tất yếu cho 2.100 làng nghề của cả nước. Chỉ có như vậy, người lao động và sản phẩm làm ra mới có nguồn tiêu thụ ổn định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.