(HNM) - Ngày 16-2, hai ngày trước khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 kết thúc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã ký Công văn số 1318/UBND-TH gửi các ban, ngành, quận, huyện, thị xã, yêu cầu các đơn vị bắt tay ngay vào làm việc nghiêm túc sau khi kỳ nghỉ Tết kết thúc.
Công văn yêu cầu thủ trưởng các đơn vị chỉ đạo thực hiện nghiêm kỷ cương, kiểm tra, giám sát việc chấp hành kỷ luật công vụ, bảo đảm thời gian làm việc… Sự nhắc nhở cán bộ, công chức, người lao động tái lập nền nếp công tác sau kỳ nghỉ Tết đã được lãnh đạo thành phố Hà Nội lưu tâm chỉ đạo từ nhiều năm nay. Việc ấy tưởng như đã quen, đã cũ nhưng có lý do từ sự thiếu ý thức thi hành công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, người lao động sau mỗi đợt nghỉ Tết.
Nói lại cũng không thừa. Sau Tết Nguyên đán, Hà Nội cũng như nhiều địa phương trong cả nước vẫn ngập trong khí xuân và lễ hội. Mới năm ngoái thôi, dù lãnh đạo trung ương và lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố đã có văn bản chỉ đạo siết chặt kỷ cương làm việc, học tập sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 nhưng qua báo chí, người ta vẫn thấy xe công đưa người đi vãng cảnh chùa, dự lễ hội. Xe biển xanh dễ thấy, dễ bị "bêu gương", cái sự tranh thủ ăn bớt giờ hành chính của những người tự lo phương tiện mới khó kiểm soát. Năm nay nghỉ tới 9 ngày, sau Tết gặp lại đồng nghiệp, bạn bè, tất yếu có tâm lý "ngồi với nhau", tranh thủ gặp gỡ, du xuân... Người trách nhiệm có thể thu xếp việc công - tư đâu ra đấy, bằng không, với người ham vui, hoặc kỷ cương công sở lỏng lẻo, chỉ một chầu "nhậu" đủ xảy ra nhiều tình huống không có lợi cho việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Tiêu tốn thời gian, công việc đình trệ là một nhẽ, sự sa đà của cán bộ, công chức còn ảnh hưởng tới lề lối khuôn thước chấp hành luật pháp nói chung, trong ngoài nhìn vào đều không có lợi.
Năm nay, với Hà Nội là "Năm kỷ cương hành chính", trong nội dung có một mục tiêu quan trọng là tạo bước chuyển mạnh mẽ về kỷ cương, nâng cao ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ công chức, giảm phiền hà, chống sách nhiễu khi thi hành công vụ. Đó là một mục tiêu lớn, bình thường đã là quan trọng, sau một năm có nhiều lời ra tiếng vào về chất lượng một bộ phận trong đội ngũ cán bộ công chức thì việc duy trì kỷ cương lại càng quan trọng hơn. Xuân này, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, chẳng phải là dịp đề cao tinh thần chấp hành chỉ đạo của lãnh đạo thành phố hay sao!
Chỉ thị của lãnh đạo thành phố hay văn bản được ban hành từ cấp cao hơn, suy cho cùng là định hướng hành động, định hướng công tác. Định hướng ấy muốn phát huy hiệu quả trong đời sống thì cần có ý thức chấp hành, kiểm tra, giám sát của đội ngũ cấp dưới, quan trọng nhất là thủ trưởng các đơn vị, các bộ phận giám sát việc thực hiện kỷ cương chung. Nói vậy, nghĩa là cùng với việc ban hành văn bản thì cần sự vào cuộc tự giác của các ngành, địa phương. Lại cũng cần có sự kiểm tra, giám sát đầy đủ, xử lý vi phạm công bằng dựa trên các điều quy định chung đối với cán bộ công chức. Sau thời gian thực hiện cần có báo cáo về việc này, biểu dương hoặc phê phán, nhắc nhở, thậm chí kiểm điểm những nơi, những cá nhân thực hiện tốt hay không tốt là vô cùng cần thiết.
Mấy năm qua, sự sa đà sau Tết Nguyên đán được cho là đã giảm. Năm nay, với quyết tâm của Hà Nội, hy vọng kỷ cương phép nước được duy trì ngay trong những ngày đầu, tháng đầu xuân Quý Tỵ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.