Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dấu hiệu phục hồi tăng trưởng kinh tế ngày càng hiện rõ

Quốc Bình| 02/02/2010 06:42

Không thiếu hàng phục vụ Tết * Hà Nội và TP HCM đề nghị tăng mức phạt vi phạm giao thông

(HNM) - 17h chiều qua 1-2, ngay sau khi Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 1 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã tổ chức họp báo về các nội dung liên quan.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2010 - Ảnh Chinhphu.vn

Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP cho biết, ngoài việc xem xét kết quả kinh tế - xã hội tháng 1 và một số báo cáo định kỳ, các thành viên Chính phủ đã thảo luận và thông qua một số nghị định quan trọng như nghị định về bồi thường nhà nước, nghị định về tổ chức hội, nghị định về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH nhà nước một thành viên. Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, dấu hiệu phục hồi tăng trưởng kinh tế đang ngày càng hiện rõ, điển hình là công nghiệp tăng trên 28% so với cùng kỳ, nông nghiệp tiếp tục được mùa, dịch vụ - thị trường đang tăng trưởng tích cực. Các cân đối vĩ mô được bảo đảm. Số doanh nghiệp (DN) mới tăng 25% so với cùng kỳ.

Không để bất kỳ người dân nào thiếu đói

Chính phủ lưu ý việc chuẩn bị phục vụ người dân đón Tết với phương châm "vui tươi, lành mạnh và tiết kiệm". Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương phải bảo đảm không để một người dân nào bị thiếu đói. Trong tháng 1, Chính phủ đã xuất trên 23 ngàn tấn gạo (bằng gần 1/2 lượng gạo hỗ trợ thiếu đói năm 2009) cấp cho các địa phương hỗ trợ đồng bào nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Theo ông Nguyễn Xuân Phúc, việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết đang rất tốt, sẽ không xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Các bộ, ngành, địa phương, các DN nhà nước đều đã có phương án phục vụ Tết. Bộ Công thương cho biết, đã dự trữ 1,5 đến 1,8 triệu tấn gạo, các mặt hàng khác như đường, hoa quả, bia rượu đều đã sẵn sàng, không để giá cả tăng vọt. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bảo đảm ANTT, ATGT và giám sát để ngăn chặn hiện tượng biếu quà có tính chất tiêu cực, tăng cường quản lý để ngăn chặn tình trạng "Tháng Giêng là tháng ăn chơi".

Trả lời báo chí về đề xuất tăng mức phạt vi phạm ATGT của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tại phiên họp, ông Nguyễn Xuân Phúc cho biết, cá nhân ông và Bộ GTVT cũng như một số thành viên Chính phủ khác đồng tình với đề xuất này. Theo ông, đây là thông lệ quốc tế, chẳng hạn Xingapo đã thực hiện điều này khi mức phạt ở trung tâm cao hơn ở các vùng khác. Tuy nhiên, Chính phủ đã có nghị quyết giao cho Bộ GTVT làm việc cụ thể với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng như các cơ quan khác để rà soát cơ sở pháp lý, báo cáo Chính phủ quyết định, trên tinh thần đúng pháp luật và bảo đảm hiệu quả xã hội tích cực.

Mở rộng nguồn vốn hỗ trợ thanh khoản

Giải đáp về kết quả sau một tháng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các DN nhà nước hỗ trợ nguồn cung ngoại tệ, Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cho biết, các tổ chức tín dụng đã thu mua được khoảng 450 triệu USD và đã sẵn sàng bán lại cho NHNN. Về thắc mắc liên quan đến kết quả tăng trưởng tín dụng tháng 1 chỉ là 1%, ông Tiến cho rằng, đây là điều bình thường và mang tính quy luật từ nhiều năm qua: Tháng 1-2005 là 1,4%, tháng 1-2006 giảm 1%, tháng 1-2007 tăng 0,9%, tháng 1-2009 tăng 0,65%. Hiện nay, NHNN đang triển khai nhiều biện pháp tăng cường mở rộng nguồn vốn cho các tổ chức tín dụng cũng như cung cấp vốn cho các DN, bao gồm cả DN vừa và nhỏ.

Trả lời câu hỏi tại sao Việt Nam là nước nông nghiệp nhưng vẫn phải nhập khẩu muối và đường, ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công thương đưa ra nhiều dẫn chứng cho hay: Muối nhập khẩu là loại muối công nghiệp mà sản xuất trong nước chưa đáp ứng được, còn đường nhập khẩu vì nguồn cung trong nước bị hao hụt do năng suất giảm và thiệt hại do thiên tai. Tuy nhiên, ông Biên khẳng định, việc nhập khẩu đường chỉ tập trung vào phục vụ nhu cầu sản xuất của các DN hàng hóa dùng tới đường, không đưa vào bán tự do trên thị trường, nên không sợ tác động xấu đến lợi ích của nông dân trồng mía đường. DN mía đường năm 2009 cũng thu lãi đáng kể. Ông nhận định xu hướng giá đường thời gian tới là đứng giá hoặc tăng, vì đây là xu hướng của giá đường thế giới. Hiện nay, Bộ Công thương đã đề xuất Chính phủ cho nhập khẩu khoảng 50 ngàn tấn đường dự trữ để đề phòng trường hợp sốt giá bất thường thì đưa ra điều chỉnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dấu hiệu phục hồi tăng trưởng kinh tế ngày càng hiện rõ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.