Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đất đai và câu chuyện quản lý

Thế Văn| 08/11/2021 06:31

(HNM) - Đất đai là nguồn tài nguyên quý giá, tư liệu sản xuất không gì thay thế được, là nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển bền vững và gắn bó mật thiết với đời sống của mỗi người dân. Do vậy, quản lý, sử dụng đất đai như thế nào không chỉ tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội, mà còn ảnh hưởng tới tương lai phát triển của đất nước.

Ngày 30-10-2021, tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã thảo luận về dự kiến Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025). Nhiều đại biểu đã đề nghị Chính phủ tăng cường phân cấp, phân quyền; đồng thời cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu địa phương trong công tác quản lý đất đai… Điều này lập tức đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Trước hết, những ý kiến trên bắt nguồn từ thực tế là, việc phân bổ nguồn lực đất đai dù đã bước đầu đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng… và đóng góp không nhỏ cho ngân sách nhà nước song có thể thẳng thắn nhìn nhận, quy hoạch, quản lý, sử dụng đất vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế như: Quy hoạch sử dụng đất chưa bảo đảm sự đồng bộ, tính kết nối và thiếu tầm nhìn dài hạn; việc phân bổ một số chỉ tiêu sử dụng đất chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương…

Đặc biệt, tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức: Giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, gây thất thu ngân sách nhà nước; chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đúng với quy hoạch, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt… Rồi tình trạng tự ý hợp thửa, phân lô, bán nền trái với quy định của pháp luật vẫn diễn ra ở nhiều địa phương. Chưa kể, có hiện tượng “chạy theo” nhà đầu tư, giao đất không đúng quy hoạch, gây bức xúc trong dư luận...

Theo thông tin từ các cơ quan bảo vệ pháp luật, đơn thư khiếu nại, tố cáo, tranh chấp kinh doanh thương mại cũng như các vụ án hành chính, dân sự liên quan đến đất đai vẫn là vấn đề “nóng”… Các vụ án hình sự có tình tiết, nội dung gắn với lĩnh vực này cũng hết sức đa dạng với động cơ, mục đích phạm tội phức tạp và đã có những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân, trong đó có không ít cán bộ có chức, có quyền, gây thiệt hại lớn cho tài sản nhà nước...

Bởi vậy, đổi mới và siết chặt công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất vừa mang tính cấp thiết, vừa có ý nghĩa lâu dài đối với sự phát triển bền vững của đất nước.

Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều hoạt động tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TƯ ngày 31-10-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về "Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại". Nhiều giải pháp đã được đề cập đến nhằm giải phóng tối đa, khai thác, phát huy cao nhất nguồn lực đất đai, trong đó đáng chú ý là đề xuất tăng cường phân cấp, phân quyền, gắn với cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu địa phương trong quản lý đất đai.

Trước hết phải hiểu rằng, việc phân cấp quyền quản lý đất đai cho địa phương không đi ngược với chế độ sở hữu toàn dân và nguyên tắc thống nhất quản lý đất đai trên phạm vi cả nước. Vấn đề ở đây là quy định rõ chức trách, nhiệm vụ của chính quyền địa phương đối với việc quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên đất. Phân cấp, phân quyền là giải pháp tạo sự chủ động cho các địa phương trong việc xây dựng, triển khai các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giải quyết các vấn đề về giao đất, cho thuê đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư; ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai.

Mặt khác, thực tế cũng cho thấy, đòi hỏi đầu tiên trong việc quản lý nguồn tài nguyên “nhạy cảm” - đất đai chính là ý thức công vụ, do vậy cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu là hết sức cần thiết. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cán bộ là gốc của công việc”, “công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém…”. Để ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật; đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng đất ở các địa phương, cần thường xuyên nâng cao ý thức công vụ của đội ngũ cán bộ liên quan, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Nếu người đứng đầu “tắc trách” thì hậu quả thế nào - có lẽ không phải nói thêm!

Phân cấp, phân quyền gắn với cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu địa phương có thể xem là một giải pháp cho vấn đề quyền hạn và trách nhiệm trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đất đai và câu chuyện quản lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.