(HNM) - Hôm nay (8-6), Festival Mỹ thuật trẻ năm 2011 chính thức được Bộ VH,TT&DL và Hội Mỹ thuật Việt Nam phát động. Festival được giới nghệ sĩ kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá mới về nghệ thuật trình diễn, sắp đặt - những loại hình vẫn được coi là mới của nền mỹ thuật Việt Nam đương đại.
Theo đúng tiêu chí "trẻ", Festival chỉ dành cho các tác giả 35 tuổi trở xuống và không nhất thiết phải là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Mỗi nghệ sĩ tham gia nhiều nhất 3 tác phẩm, sáng tác trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến năm 2011. Đây cũng là lần đầu tiên các loại hình nghệ thuật đương đại như sắp đặt, trình diễn có cơ hội tranh giải cùng các tác phẩm hội họa, điêu khắc, phù điêu truyền thống.
Tác phẩm “Lớn hơn 20” của Nguyễn Hồng Hải. |
Thực ra, Festival mỹ thuật sáng tạo trẻ năm 2007 đã từng "bày mâm" để công chúng thưởng thức những "món ăn" lạ so với "khẩu vị" vốn thuần phác trước đây. Kể từ đó, cách thưởng thức nghệ thuật kiểu mới của người yêu nghệ thuật cũng trở nên... mới mẻ. Thay vì chỉ đi vòng quanh mấy bức tường xem tranh, hoặc loanh quanh trong nhà trưng bày với những tác phẩm điêu khắc, công chúng có thể thỏa sức khám phá những ý tưởng, thông điệp được lồng ghép trong tác phẩm chiếm lĩnh cả khoảng không gian lớn ngoài trời, hoặc trên những mảng tường hay nền nhà. Với nghệ thuật sắp đặt, kỹ thuật xử lý vật liệu cũng đã được các nghệ sĩ thể nghiệm theo cách thức mới nhằm hấp dẫn người xem. Và Festival năm nay một lần nữa tạo cơ hội để các nghệ sĩ trẻ đam mê loại hình nghệ thuật mới được thỏa sức sáng tạo. Như họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam hứa hẹn: "Festival sẽ là một cuộc chơi sòng phẳng để các họa sĩ trẻ đua tài".
Trên thế giới, khoảng 80% các hoạt động mỹ thuật là nghệ thuật đương đại ngoài giá vẽ. Trong khi đó, ở Việt Nam, cái nhìn dành cho những loại hình này chưa nhiều thiện cảm. Phải chăng, như thế là thiếu công bằng giữa hội họa truyền thống và đương đại?
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH,TT&DL) giải thích: "Việc chưa có sự tham gia của nhiều tác phẩm sắp đặt hay trình diễn, video art trong nhiều "sân chơi" lớn của mỹ thuật Việt Nam không phải do sự thiếu thiện cảm hay e ngại đối với những loại hình nghệ thuật này. Nguyên nhân là do thiếu điều kiện, không gian trưng bày, trình diễn dành cho các thể loại nghệ thuật vốn cần rất nhiều diện tích và không gian để "sống".
Còn họa sĩ Đào Minh Tri, nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh khẳng định: Khi công chúng chưa quen với các loại hình nghệ thuật mới thì chính các nhà quản lý, giới nghệ sĩ phải cởi mở và có cái nhìn thoáng hơn. Như vậy, việc tổ chức Festival trẻ là tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển của nghệ thuật sắp đặt, trình diễn...
Trong lễ ra mắt cuốn sách "Hội tụ " của các họa sĩ trẻ Hà Nội, họa sĩ Trần Khánh Chương khuyên rằng, họa sĩ trẻ cũng cần phải nỗ lực, đầu tư cho những sáng tác của mình, bất kể là hội họa giá vẽ hay trình diễn, sắp đặt bởi cách tốt nhất để chiếm được tình cảm của người xem chính là những tác phẩm có chất lượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.