(HNM) - Đến với khán giả Việt Nam muộn hơn so với các loại hình sân khấu khác như: Tuồng, chèo, cải lương…, nhưng ngay sau khi hình thành, sân khấu kịch nói Việt Nam đã nhanh chóng trở thành loại hình nghệ thuật được đông đảo người dân mến mộ, trở thành món ăn tinh thần được chờ đón và có sức lan tỏa lớn...
Trong 100 năm hoạt động (1921-2021), sân khấu kịch nói đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực cho nền văn học, nghệ thuật nước nhà. Hầu hết các vở kịch được công chiếu đã phản ánh nhanh, sâu sắc, chân thực cuộc sống, phù hợp với thị hiếu nên thu hút được sự quan tâm của đông đảo khán giả. Trong đó, nhiều vở kịch có tiếng vang và sức ảnh hưởng xã hội lớn. Những năm qua, nhiều tác phẩm kịch nói của Việt Nam đã đạt được những giải thưởng danh giá khi tham dự các cuộc thi, liên hoan quốc tế.
Kết quả này có được là nhờ sự đóng góp tâm huyết của đội ngũ nghệ sĩ tài hoa, nhà viết kịch, đạo diễn kịch nói… qua các thời kỳ. Đặc biệt là trong những năm gần đây, sân khấu kịch nói nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện phù hợp về cơ chế, chính sách của các cấp, ngành, địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, sân khấu kịch nói đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức. Việc thu hút khán giả đến với sân khấu kịch nói ngày càng khó khăn. Ngoài nguyên nhân ảnh hưởng của dịch Covid-19 còn là do sân khấu kịch nói chịu sự cạnh tranh khốc liệt của các loại hình nghệ thuật giải trí hiện đại. Sân khấu kịch còn thiếu những kịch bản hay; nhiều vở kịch ra đời có chủ đề không mới, chưa bám sát hơi thở cuộc sống... nên mất dần khán giả.
Để sân khấu kịch nói có thể “hút” khách trở lại, trước mắt phải khắc phục tình trạng thiếu kịch bản hay. Bởi, chỉ khi có nội dung hay, hấp dẫn cộng với tài diễn xuất của đội ngũ nghệ sĩ mới có thể “kéo” khán giả đến với sân khấu. Vì thế, các cơ quan chức năng, hội nghề cần tăng cường tổ chức các trại sáng tác, tạo điều kiện cho người viết đi thực tế ở các địa phương, từ đó có cái nhìn đa chiều, mới mẻ làm tiền đề để sáng tạo nên những kịch bản hấp dẫn.
Song song đó, để kích thích sự sáng tạo của các nghệ sĩ, diễn viên... các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này cần quan tâm, có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để sân khấu kịch nói phục hồi và phát triển. Cụ thể, cần có chính sách hỗ trợ các sân khấu kịch nói tổ chức các buổi biểu diễn trực tiếp hoặc trực tuyến, đưa sân khấu đến gần với công chúng ở mọi miền Tổ quốc; chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực sân khấu kịch nói, khán giả…
Về phía các nhà hát, đoàn kịch nói, cần đầu tư cho việc lựa chọn chủ đề, sáng tác kịch bản, bồi dưỡng nghiệp vụ diễn viên. Bên cạnh đó là đầu tư cải tạo, nâng cấp và hiện đại hóa sân khấu hiện có; không ngừng đổi mới các hình thức, phương thức thể hiện tác phẩm, sao cho chuyên nghiệp, hiện đại hơn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của khán giả; đẩy mạnh công tác quảng bá để vở diễn đến với đông đảo công chúng.
Với đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên cũng phải luôn nỗ lực trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, không ngừng nuôi dưỡng đam mê, nhiệt huyết để mang đến cho khán giả ngày càng nhiều vở diễn mới, vai diễn hay, hấp dẫn.
Chỉ có không ngừng làm mới bản thân sân khấu kịch nói mới có thể tạo nên những đột phá để tồn tại và phát triển. Và, chỉ có như vậy, sân khấu kịch mới tiếp bước được truyền thống, làm nên những tác phẩm có giá trị, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của khán giả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.