Văn nghệ

Trương Đăng Dung - thi sĩ từ cốt tủy

Hoàng Đăng Khoa 11/05/2025 - 20:34

Trương Đăng Dung có thể nói là con người văn chương toàn tòng. Nhờ học giỏi môn văn, từ năm 1969 đến năm 1972 ông được chọn vào học lớp chuyên văn đầu tiên của tỉnh Nghệ An.

Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, ông được cử sang Hungary du học. Năm 1975, 20 tuổi, ông viết bài thơ “Âm hưởng mùa hè” gửi về nước đăng Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam). Mùa thu năm 1978, ông tốt nghiệp về nước. Năm 1981 ông trở lại Hungary làm nghiên cứu sinh. Thời gian này ông vừa viết luận án tiến sĩ vừa dịch “Truyện Kiều” sang tiếng Hungary. Và như một thăng hoa đột xuất, một sáng mùa đông năm 1983, ông viết một mạch bài thơ “Những kỉ niệm tưởng tượng”. Ông dịch bài thơ này sang tiếng Hungary và được tờ tạp chí Uj irás (Tác phẩm mới) của Hội Nhà văn Hungary in trong số tháng 10 năm đó. Thế rồi từ ấy đến nay, ông bền bỉ hứng khởi dấn nhập với văn chương, thuận tay và đều tay với cả ba thể loại thơ, dịch thuật và nghiên cứu lý luận phê bình.

Năm 2011, phải đến gần 30 năm sau khi viết bài thơ “Những kỉ niệm tưởng tượng”, Trương Đăng Dung mới công bố tập thơ đầu tay cùng tên. Tập thơ chỉ vẻn vẹn có 25 bài, mỏng nhưng không hề nhẹ, càng củng cố xác tín văn chương “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Tập thơ ngay từ khi ra đời đã được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt, và được trao Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội.

Gần 10 năm sau, Trương Đăng Dung công bố tập thơ thứ hai: “Em là nơi anh tị nạn” (NXB Văn học, 2020). Như một sự trương nở đa bội mà thống nhất, tập thơ tiếp tục chuyển tải những ám ảnh hiện sinh, những suy niệm triết học của Trương Đăng Dung.

Thế kỷ XX là thế kỷ của những thành tựu lý thuyết văn học. Nhìn lại các công trình lý thuyết văn học của Trương Đăng Dung đã được xuất bản như “Các vấn đề của khoa học văn học”, “Từ văn bản đến tác phẩm văn học”, “Tác phẩm văn học như là quá trình”, “Văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa”..., thấy chúng là kết quả của một quá trình nghiên cứu có hệ thống, nhất quán cả về tư tưởng học thuật lẫn đối tượng nghiên cứu. Các công trình này của Trương Đăng Dung đã quán chiếu những khám phá về bản chất ngôn ngữ của tư duy lý luận văn học hiện đại.

Công trình “Văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa” (NXB Văn học, 2021) của Trương Đăng Dung đã được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021. Đây thực sự là tập tiểu luận sang trọng của một nhà nghiên cứu lý luận uyên bác thông tuệ mà tên tuổi của ông là một sự bảo chứng thuyết phục trong giới văn chương học thuật. Cuốn sách có độ sâu của tri thức khoa học, độ mới của những lý thuyết hiện đại/ hậu hiện đại, độ mở của tư duy phản biện, chất vấn, khơi vẫy đối thoại... trên hành trình suy niệm truy vấn mang tính triết học về đặc trưng bản thể của văn bản văn học, về cơ chế tạo nghĩa của văn bản văn học trong quan hệ với người đọc. Cái phẩm tính vừa duy học thuật vừa duy mỹ nơi chủ thể mang đến cho bạn đọc những trang viết vừa đẫm trĩu hàm lượng chuyên môn, vừa phát sáng vẻ đẹp ngôn từ...

Với việc dịch “Truyện Kiều” sang tiếng Hungary từ khi còn rất trẻ (NXB Europa, 1984), có thể nói Trương Đăng Dung là một trong những người tiên phong trong việc quảng bá “quốc hồn quốc túy” Việt Nam ra thế giới. Ông còn dịch nhiều tác phẩm văn học nước ngoài sang tiếng Việt, tiêu biểu là tiểu thuyết “Lâu đài” của Franz Kafka cùng nhiều công trình triết học ngôn ngữ và lý thuyết văn học của Martin Heidegger, Roman Ingarden, Hans Robert Jauss, Paul Ricoeur, Lukács Gyorgy...

Trương Đăng Dung không ngừng khám phá mình, cơi nới mình, để vượt thoát giới hạn, để trưởng thành một cách đồng bộ những chiều kích. Ông là cây bút “đa năng”, “nhiều trong một” thì đã rõ, nhưng với tôi, sau trước ông vẫn là một thi sĩ. Ông sống thơ, viết thơ, và đến lượt những cái viết khác của ông cũng đẹp như thơ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trương Đăng Dung - thi sĩ từ cốt tủy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.