Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đáp ứng đào tạo nghệ thuật đặc thù

Người Lái Đò| 12/03/2023 07:52

(HNM) - Những ngày gần đây, thông tin về việc Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đề xuất cho nghệ sĩ nhân dân tính tương đương với tiến sĩ trong hoạt động giảng dạy khiến dư luận xôn xao.

Về việc này, lãnh đạo Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội khẳng định, đây không phải đề xuất tất cả nghệ sĩ nhân dân được tính tương đương với tiến sĩ mà chỉ với nghệ sĩ nhân dân có bằng thạc sĩ đang giảng dạy tại trường thì được tính tương đương tiến sĩ để đáp ứng tiêu chí mở mã ngành. Bởi, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi mở mã ngành mới, cần 5 tiến sĩ tham gia giảng dạy để bảo đảm chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, do đào tạo nghệ thuật - nhất là nghệ thuật truyền thống mang tính chuyên sâu và đặc thù - rất khó để đáp ứng có 5 tiến sĩ trong một ngành tại nhà trường.

Để gỡ khó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18-1-2022 quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; trong đó đã hướng dẫn để nghệ sĩ nhân dân có bằng thạc sĩ phù hợp với ngành đào tạo dự kiến mở có thể thay cho giảng viên có bằng tiến sĩ và không phải là giảng viên chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện giảng dạy chương trình đào tạo (đối với mở ngành đào tạo trình độ đại học).

Tuy nhiên, hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang phối hợp với các đơn vị, cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu, đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật và đã có nhiều ý kiến phản ánh liên quan. Vì vậy, nhà trường muốn nêu lại nội dung này nhằm góp ý cho việc xây dựng nghị định mới, tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của đất nước và hội nhập quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đáp ứng đào tạo nghệ thuật đặc thù

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.