(HNM) - Thị trường lao động đang có những tín hiệu tích cực khi đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát, kinh tế - xã hội từng bước phục hồi, phát triển. Hiện nguồn cung lao động đang dần tăng trở lại, riêng quý I-2022, số lao động có việc làm là 50 triệu người, tăng 132,2 nghìn người so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy vậy, do tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 nên nguồn cung lao động chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, hiện ở một số địa phương, khu vực, ngành nghề vẫn đang xảy ra tình trạng mất cân đối cung - cầu, thiếu hụt nguồn cung cục bộ. Riêng trong quý I-2022, thiếu hụt khoảng 120.000 lao động, cao hơn cùng kỳ những năm trước khoảng 2-3%, tập trung ở các ngành dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, du lịch, giáo dục...
Một vấn đề đáng quan tâm khác nữa là trình độ người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển dịch cơ cấu công nghệ. Đáng nói, cơ cấu lao động giữa khu vực chính thức và phi chính thức chưa trở lại trạng thái trước khi có dịch bệnh. Khả năng kết nối cung - cầu, giới thiệu việc làm cũng chưa thực sự đáp ứng được đòi hỏi của thực tế…
Hiện nay, hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi và tăng trưởng trở lại. Vì vậy, việc đáp ứng cung - cầu lao động, nhất là nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế là yêu cầu cấp bách, đòi hỏi một hệ thống giải pháp đồng bộ, hiện đại, linh hoạt và thống nhất.
Nhiệm vụ quan trọng cả trước mắt và lâu dài trong việc phục hồi, phát triển thị trường lao động là cần lấy con người làm trung tâm bằng việc chăm lo đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động. Đây là giải pháp căn cơ để doanh nghiệp giữ chân người lao động một cách bền vững. Muốn vậy, bản thân doanh nghiệp phải đặt người lao động trong sự phát triển của chính đơn vị mình. Bởi thực tế, khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, doanh nghiệp nào chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân chu toàn thì họ gắn bó và sớm quay lại với doanh nghiệp sau đại dịch.
Đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động, các bộ, ngành chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để hoàn thiện chính sách về tiền lương; mở rộng an sinh xã hội; sửa đổi toàn diện chính sách về nhà ở; bảo đảm an toàn và vệ sinh lao động… Đặc biệt, trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19, các cơ quan chức năng, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục phối hợp thực hiện hiệu quả gói hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Cũng về vấn đề này, xét trong bối cảnh toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu và dịch bệnh cũng như những công nghệ mới đã, đang làm phát sinh các hình thức việc làm mới và những thay đổi trong cấu trúc, tổ chức công việc. Do đó, công tác đào tạo nghề, nhất là những ngành nghề, lĩnh vực công nghệ cao cần linh hoạt, đáp ứng yêu cầu sử dụng nhân lực bảo đảm chất lượng của doanh nghiệp.
Cùng với đó, cần làm tốt quan hệ cung - cầu lao động, nhất là nâng cao chất lượng của hệ thống thông tin thị trường lao động, trung tâm giới thiệu việc làm… Về phía người lao động cũng cần tích cực nâng cao tay nghề, cập nhật thông tin để tìm việc làm phù hợp với kỹ năng, trình độ, bảo đảm thu nhập ổn định. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu để cung - cầu lao động sớm ổn định, góp phần quan trọng phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.