(HNM) - Một trong những vấn đề lớn mà ngành Du lịch Việt Nam đang đối mặt chính là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng phục vụ cũng như hình ảnh của du lịch Việt Nam.
Nghịch lý thừa và thiếu
Câu chuyện về nhân lực ngành Du lịch luôn gây chú ý trong thời gian gần đây. Ngay ở Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019 mới diễn ra, nhiều ý kiến coi việc đào tạo nguồn nhân lực là nút thắt trong ngành Du lịch. Như nhận định của ông Phạm Hà, Giám đốc Công ty Du lịch Sang Trọng thì nguồn nhân lực ngành Du lịch Việt Nam vừa thừa người không có năng lực, vừa thiếu người có năng lực. Còn ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng nhìn nhận, khả năng ngoại ngữ của nhân lực ngành Du lịch từ cấp thấp đến quản lý cao cấp cũng là vấn đề trong đào tạo nguồn nhân lực.
Ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty Lữ hành Tien Phong Travel cho biết, doanh nghiệp gặp không ít khó khăn khi muốn mở rộng thị trường khách sang Indonesia bởi rất ít người Việt Nam biết tiếng Indonesia.
Một buổi giao dịch tại Hội chợ việc làm cho ngành Du lịch khách sạn năm 2019 ở Hà Nội. Ảnh: Minh Quang |
Bên lề Hội chợ việc làm cho ngành Du lịch khách sạn mới diễn ra cuối tuần trước tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Kim Khánh, Giám đốc tạo nguồn nhân lực, Công ty cổ phần Vinpearl cho hay, nhiều sinh viên gặp khó khăn giữa đào tạo và thực tiễn khi cho rằng, được đào tạo để làm quản lý thì không thể đi dọn phòng, bưng bê, pha chế, chăm sóc cảnh quan… Trong khi đó, đây là những phần việc hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý, nếu không nắm được thì khó có thể làm quản lý giỏi.
Dù chưa có đánh giá cụ thể, song theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam: “Ngành Du lịch đang thực sự thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện nay mới có trên 1,3 triệu lao động trực tiếp, trong đó 42% được đào tạo về du lịch, 38% đào tạo từ các ngành khác và 20% chưa qua đào tạo chính quy. Đến năm 2020, chúng ta cần khoảng 1,6 triệu lao động trực tiếp. Còn theo Tổng cục Du lịch, với tốc độ tăng trưởng hiện nay, mỗi năm ngành Du lịch cần thêm 40.000 lao động nhưng các cơ sở đào tạo chỉ đáp ứng được khoảng 15.000 người, trong đó 12% đến 15% có trình độ đại học, cao đẳng.
Thay đổi bắt đầu từ việc nhỏ
Thực tế, các cơ sở đào tạo du lịch cũng đang vận động hết công suất để trao nhiều cơ hội trau dồi hơn, nắm bắt thực tế tốt hơn cho sinh viên. Việc tổ chức Hội chợ việc làm cho ngành Du lịch khách sạn năm 2019 tại Hà Nội vừa qua là một ví dụ. Đây là lần đầu tiên các trường đào tạo nhân lực du lịch phối hợp với doanh nghiệp cùng tạo ra một môi trường việc làm cởi mở. Từ đó, tạo cơ hội cho sinh viên được tiếp cận và kết nối với các doanh nghiệp du lịch hàng đầu Việt Nam. Và qua đó, các doanh nghiệp cũng tìm ra những nhân tố xuất sắc trong ngành Du lịch, kết hợp quảng bá thương hiệu của mình.
Ngoài ra, chương trình Ngày hội định hướng ngành Du lịch và khách sạn do Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức trong những năm gần đây cũng được xem là cầu nối giữa sinh viên ngành Du lịch và khách sạn với các doanh nghiệp du lịch, các cơ sở lưu trú. Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân Phạm Hồng Chương nhận định, chỉ thông qua các cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa nhà trường, sinh viên với các doanh nghiệp mới có thể xác định rõ các đầu việc cần giải quyết ngay của đơn vị đào tạo.
Đồng quan điểm trên, ông Phạm Hà, Giám đốc Công ty Du lịch Sang Trọng cho rằng, quy trình đào tạo tại các trường cần chú trọng đáp ứng những hiểu biết trong ngành Du lịch, ví như kỹ năng du lịch, ngoại ngữ và cuối cùng là thái độ với khách du lịch. Ngoài ra, cần tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Tien Phong Travel nhận định, cần trang bị thêm những ngoại ngữ hiếm cho sinh viên du lịch để mở ra nhiều cơ hội cho chính họ. Bà Nguyễn Thị Kim Khánh, Giám đốc tạo nguồn nhân lực, Công ty cổ phần Vinpearl bày tỏ: “Chưa cần bàn đến chất lượng đào tạo, có lẽ hãy bắt đầu từ việc giải quyết cách tiếp cận với nghề cho sinh viên. Hãy giúp họ hiểu rằng, muốn thành công với nghề thì phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất”.
Để đáp ứng được những kỳ vọng nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai còn cần nhiều giải pháp mang tính vĩ mô, đột phá hơn nữa. Ví dụ như một giải pháp từng được đề cập tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019, đó là các doanh nghiệp nên mở trường đào tạo ngay trong doanh nghiệp. Mô hình này tuy còn mới tại Việt Nam, nhưng cũng đã có hai đơn vị là Saigontourist, Vietravel thực hiện... Tuy nhiên, những giải pháp vĩ mô trên còn cần nhiều thời gian để bàn thảo, nên trước mắt các cơ sở đào tạo chủ động thay đổi cách tiếp cận với thị trường nhân lực du lịch bằng cách gắn kết chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp để đào tạo theo chuẩn nhu cầu của từng doanh nghiệp. Có như vậy, nguồn nhân lực chất lượng cao mới đáp ứng được yêu cầu thực tế công việc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.