(HNMCT) - Đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Hoàng Quân Tạo, nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, có nhiều đóng góp lớn cho sân khấu kịch. Từng tham gia đội Cảm tử quân Trung đoàn Thủ đô, năm mới Tân Sửu này ông bước sang tuổi 89, đôi chân đã chậm lại nhưng tinh thần, nhiệt huyết của người chiến sĩ cảm tử năm xưa cùng ngọn lửa đam mê sân khấu thì chưa bao giờ phai nhạt.
1. Đạo diễn, NSƯT Hoàng Quân Tạo tham gia đội Cảm tử quân Trung đoàn Thủ đô từ năm năm 1946, lúc ấy ông mới 14 tuổi. Một thời gian sau, ông được giao nhiệm vụ làm liên lạc cho du kích ở khu vực Thanh Trì rồi làm tổ trưởng phụ trách phân phối tài liệu cho cơ sở kháng chiến trong khu vực nội thành Hà Nội. Trong thời gian này, ông quen và nảy sinh tình cảm với nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Điền (sau này là vợ ông) khi họ tham gia hoạt động cách mạng cùng nhau, để rồi tình yêu nảy nở giúp hai người có thêm động lực vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thậm chí hiểm nguy cận kề.
Tháng 6-1952, trong một lần đến cơ sở cách mạng ở số 85 Hàng Lược lấy tài liệu, ông bị thực dân Pháp bắt và đưa về giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò cùng với người yêu của mình. Tại nơi được coi là “địa ngục trần gian”, kẻ địch đã dùng nhiều hình thức tra tấn hết sức dã man nhưng với bản lĩnh vững vàng của người chiến sĩ cộng sản, ông quyết không khai nửa lời. Trong một đêm bị tra tấn, quá đau đớn rồi ngất đi, rạng sáng hôm sau ông mơ màng nghe được những câu hát trong bài “Làng tôi” của nhạc sĩ Văn Cao liền tỉnh dậy. Thì ra đêm hôm ấy ông đã được một nữ chiến sĩ cộng sản quê ở Hải Dương chăm sóc, bà đã hát để động viên ông kiên cường hơn.
“Chúng tôi chưa kịp hỏi tên, địa chỉ mà chỉ nói vài câu động viên nhau thì chúng đã mang chị đi thủ tiêu. Còn người yêu của tôi, sau khoảng một năm bị giam giữ, chịu đủ mọi hình thức tra tấn mà không khai ra bất cứ điều gì, đã được ra tù và cô ấy tiếp tục hoạt động cách mạng. Hình ảnh hai người phụ nữ với tinh thần hy sinh cao cả cho cách mạng, cho Tổ quốc đã theo tôi suốt đời, nhắc nhở tôi phải phấn đấu, nỗ lực hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước. Tôi mang theo tinh thần đó đến với sân khấu kịch, nghề mà tôi theo đuổi suốt cuộc đời”, NSƯT Hoàng Quân Tạo nhớ lại.
2. Sau khi Hiệp định Genève năm 1954 được ký kết, Hoàng Quân Tạo được thả tự do. Năm 1959, ông bắt đầu hoạt động sân khấu kịch chuyên nghiệp và là một trong 18 người tham gia thành lập đội kịch Đoàn Văn công nhân dân Hà Nội, tiền thân của Nhà hát Kịch Hà Nội ngày nay.
Thực ra, từ rất sớm ông đã có niềm đam mê sân khấu kịch và từng mơ ước trở thành một diễn viên kịch. Ngay cả khi bị giam ở Nhà tù Hỏa Lò, chế độ hà khắc của nhà tù cũng không làm ông thôi lạc quan, ông vẫn tràn đầy niềm tin vào ngày hòa bình thống nhất. Ông và một số bạn tù đã tranh thủ tổ chức biểu diễn văn nghệ để phản đối địch, đồng thời động viên các đồng đội của mình vượt qua nỗi đau đớn về thể xác, vững tin sống và chiến đấu.
Gần 20 năm làm diễn viên ở Đoàn Kịch nói Hà Nội (1959-1978), ông đã đóng gần 30 vai kịch, phim truyện điện ảnh. Các nhân vật mà ông vào vai đều là nhân vật chính diện, những tấm gương mẫu mực về sự nhân hậu, lòng quả cảm, vị tha. Trong khoảng thời gian giữ vai trò là một đạo diễn, một nhà quản lý, ông đã tạo cho Đoàn Kịch nói Hà Nội một diện mạo riêng đáng nhớ qua những vở kịch chính luận nổi tiếng như: “Thung lũng của tình yêu”, “Hà Nội đêm trở gió”, “Tôi và chúng ta”... Các vở diễn của ông đã đi sâu vào những vấn đề gai góc của cuộc sống. Bởi thế, ông được đồng nghiệp và khán giả đặt cho cái tên “đạo diễn của sân khấu kịch chính luận”.
Những năm 80 của thế kỷ trước, sân khấu kịch cả nước đã có những vở diễn có sức hút mạnh mẽ. Đáng kể nhất là vở diễn “Tôi và chúng ta” của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, do Hoàng Quân Tạo dàn dựng. Vở diễn đó đã trở thành một “hiện tượng”, một “cột mốc” của sân khấu cả nước.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, sáng tác và dàn dựng tốt một vở diễn sân khấu vạch ra sự bất ổn, xung đột xã hội và dự báo, bảo vệ những mầm mống của cái mới, cái tiến bộ là điều không dễ. Có lẽ vì thế mà đến hôm nay, những “câu chuyện bên lề” của nó vẫn luôn là những kỷ niệm đáng nhớ trong ông: “Ngày ấy, khi chúng tôi dựng vở diễn này, đồng chí Tố Hữu, khi ấy là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và đồng chí Hoàng Tùng, khi ấy là Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương đến dự. Vở diễn bắt đầu, tôi như ngồi trên đống lửa. Kết thúc cảnh một, tôi xuống hỏi ý kiến hai vị lãnh đạo cấp cao thì nhận được câu trả lời của đồng chí Tố Hữu là: “Hay! Tuyệt vời”, còn đồng chí Hoàng Tùng thì nói: “Đúng, tôi tán thành ý kiến của anh Lành (bí danh của đồng chí Tố Hữu)”. Nghe vậy, tôi mới thở phào nhẹ nhõm”.
3. Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Dũng (nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội) từng không giấu nổi niềm xúc động khi nhận xét về người thầy, người anh lớn trong nghề: “Nghệ sĩ Hoàng Quân Tạo rất nhạy bén với thời cuộc khi đề cập đến những vấn đề “nóng” của xã hội trong những vở diễn. Thời ấy, ông rất quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và đạo đức cho lớp nghệ sĩ trẻ chúng tôi. Đặc biệt, ông không chỉ quan tâm đến những việc lớn mà còn quan tâm đến việc “bếp núc của sân khấu”, ông luôn chăm chút từng chi tiết nhỏ nhất. Tôi học được từ ông điều đó và có thể nói có NSƯT Hoàng Quân Tạo thì mới có Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Dũng”.
NSƯT Hoàng Quân Tạo đã làm việc không ngừng nghỉ để dàn dựng những vở kịch có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, đặc biệt là giữ được phong cách tinh tế của một người Hà thành hào hoa, thanh lịch. Chính vì sự cần mẫn, trách nhiệm, bản lĩnh, sáng tạo, ân tình của ông trong quá trình tuyển chọn, đào tạo diễn viên, đặt hàng viết kịch bản mà sân khấu kịch Hà Nội nói riêng và sân khấu kịch nước nhà nói chung đã có một thời vang bóng như thế.
Đạo diễn, NSƯT Hoàng Quân Tạo (tên khai sinh là Lương Bá Lưu) sinh năm 1932 tại Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội. Ông đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tặng Huy chương vàng với các vở diễn “Tôi và chúng ta” (năm 1985), “Nghĩ về mình" (năm 1990); được Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội trao giải thưởng với các vở diễn “Hà Nội đêm trở gió” (năm 1993), “Lũy hoa” (năm 1995)...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.