(HNM) - Bên cạnh vị trí, vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, Thủ đô Hà Nội còn là nơi lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa vô cùng phong phú với gần 6 nghìn di tích lịch sử - văn hóa...
Trong những năm qua, ngoài việc khai thác hiệu quả về du lịch, các di sản văn hóa của Thủ đô luôn có vai trò tích cực trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa và giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các tầng lớp nhân dân. Tiềm năng của các di sản văn hóa đã và đang phát huy mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố cũng như đất nước, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân.
Tuy nhiên, trên thực tế, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản với phát triển du lịch ở Hà Nội hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Thời gian qua, mặc dù du lịch di sản đã được chú trọng khai thác, song kết quả chưa xứng với giá trị của nguồn tài nguyên phong phú, độc đáo này. Các điểm đến hấp dẫn mới chỉ tính được trên đầu ngón tay. Trong khi đó còn hàng trăm di tích sở hữu tiềm năng du lịch to lớn nhưng vẫn “ngủ yên”, chưa được khai thác hiệu quả. Chưa kể Hà Nội hiện có hàng trăm di tích văn hóa bị xuống cấp, cần phải tu bổ nhưng chưa có kinh phí... Thực trạng trên cũng là một trong những nguyên nhân khiến du khách đến rồi đi, không hẹn ngày trở lại.
Để phát huy thế mạnh của di sản văn hóa, trong đó lấy du lịch di sản là hướng trọng tâm, đòi hỏi các ngành chức năng phải cùng hành động, có những giải pháp hữu hiệu về bảo tồn và phát huy bền vững nguồn tài nguyên này. Trong đó tập trung nâng cao kiến thức, trình độ cho đội ngũ cán bộ, nhân công tham gia vào công tác trùng tu, tôn tạo di tích, thực hiện pháp luật về di sản văn hóa; cũng như tăng cường giám sát, giáo dục cộng đồng thêm yêu di sản mình đang có. Đặc biệt, Hà Nội cần xây dựng và tổ chức triển khai mạnh mẽ chiến lược quảng bá, tiếp cận thị trường trong hoạt động bảo tàng và di tích. Chủ động nghiên cứu nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước để thực hiện các hình thức quảng bá di sản khác nhau. Nghiên cứu nhu cầu của thị trường để chủ động tổ chức các chương trình hay trưng bày các chuyên đề phù hợp, vừa không ảnh hưởng tới di sản vừa hấp dẫn khách du lịch.
Trong bối cảnh xu thế toàn cầu hóa giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, Hà Nội cũng cần đi đầu trong nhận thức mới, cách tiếp cận mới và ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Việc bảo tồn di tích không chỉ là bảo tồn công trình xây dựng mà cần tạo nên không gian kết hợp hài hòa giữa những thành phần kiến trúc cổ, của ánh sáng, âm nhạc, vũ điệu truyền thống… tạo nên sức sống cho di tích.
Có thể khẳng định, kho tàng di tích lịch sử - văn hóa Thăng Long - Hà Nội là loại tài sản to lớn và vô cùng quý giá, một nguồn lực cho sự phát triển bền vững của Thủ đô. Nhận thức rõ tầm giá trị của nguồn lực này để chúng ta có trách nhiệm bảo tồn và “đánh thức” hiệu quả phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của Thủ đô và đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.