(HNM) - Kể từ khi thành phố triển khai điểm Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đến nay, tôi luôn là người đồng hành với chương trình.
Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, tôi nhất trí với các nội dung của văn kiện và xin đóng góp một số ý kiến liên quan đến lĩnh vực xây dựng NTM như sau:
Làm sâu sắc thêm thành tựu xây dựng nông thôn mới
Qua nghiên cứu phần Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XV (2010-2015) và nhìn lại 30 năm đổi mới Thủ đô trong dự thảo Văn kiện của BCH Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, tôi thấy: Cụ thể hóa Nghị quyết 26 của BCH Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Hà Nội đã xây dựng Chương trình 02 về Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống người dân. Chương trình 02 ra đời đã thu hút sự tham gia của cả hệ thống chính trị, trở thành nhiệm vụ chính trị nổi bật, được dư luận xã hội hết sức quan tâm trong nhiệm kỳ vừa qua.
Thành phố cũng đã tập trung cao độ nguồn lực, trí tuệ, các bước triển khai khoa học, bài bản, quyết liệt nên đã đạt được nhiều kết quả: Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước phát động phong trào toàn dân chung sức xây dựng NTM, có chương trình cụ thể, phân công, phân nhiệm rõ ràng. Công tác tuyên truyền rộng khắp, thành phố kịp thời ban hành những chính sách hỗ trợ kịp thời, phù hợp, bố trí nguồn lực, chọn được khâu đột phá để thực hiện. Ví dụ như dồn điền, đổi thửa, được triển khai từ năm 2012, đến tháng 6-2015 đã dồn điền, đổi thửa được 76.551,18/76.365,07ha, bằng 100,19% kế hoạch. Như vậy, chỉ trong 3 năm, Hà Nội triển khai dồn điền, đổi thửa bằng cả chục năm trước cộng lại.
Kết quả này đã tác động trực tiếp đến việc triển khai thực hiện toàn bộ các tiêu chí trong Chương trình xây dựng NTM. Đặc biệt là tiêu chí 18 (hệ thống chính trị vững mạnh) năng lực lãnh đạo của đội ngũ cán bộ cấp thôn, bản, xã, huyện được nâng lên một bước thông qua tổ chức triển khai thực hiện dồn điền, đổi thửa, các đảng viên thể hiện bằng tham luận và bằng lá phiếu bầu BCH các chi bộ, đảng bộ các xã huyện vừa qua cũng lấy kết quả thực hiện dồn điền, đổi thửa nói riêng và xây dựng NTM nói chung làm căn cứ quan trọng. Nếu như cách đây 5 năm, khi mới thực hiện Chương trình xây dựng NTM, Hà Nội chỉ đạt bình quân 2 tiêu chí/xã thì đến nay, trung bình một xã ở Hà Nội đã đạt 17,1 tiêu chí và là địa phương dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn NTM (121/401, tương đương 30,17%). Đây là tiền đề để cho việc triển khai thực hiện mục tiêu xây dựng NTM trong những năm tiếp theo, nhiệm kỳ tiếp theo của thành phố.
Khu vực nông thôn của Hà Nội hiện chiếm vị trí lớn, dân số đông. Do vậy, Đảng bộ thành phố cần dành sự quan tâm đặc biệt cho khu vực nông thôn. Nghiên cứu dự thảo Văn kiện của BCH Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, tôi thấy cần phải làm sâu sắc thêm vấn đề xây dựng NTM của Hà Nội. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cần sắp xếp câu chữ, bố cục, đưa thêm vào nội dung để cán bộ, nhân dân đọc thấy ngay rằng 5 năm qua, Chương trình 02 của Thành ủy đã đạt được kết quả quan trọng, làm đổi thay căn bản khu vực nông thôn Thủ đô sau khi thực hiện mở rộng địa giới hành chính và cũng minh chứng rằng mặc dù với một Thủ đô của cả nước tuy rất nhiều việc phải làm nhưng Hà Nội đã thực hiện rất nghiêm túc, quyết liệt, bài bản, khoa học Nghị quyết 26 của Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Nên đẩy chỉ tiêu số xã đạt chuẩn nông thôn mới cao hơn
Đối với phần 2: Phương hướng, nhiệm vụ, chỉ tiêu chủ yếu và những vấn đề trọng tâm trong phát triển Thủ đô năm 2015-2020, chỉ tiêu số xã đạt chuẩn NTM là 70-75% tổng số xã (tăng lên 110-130 xã so với năm 2015), theo tôi cần được đẩy lên cao hơn. Sở dĩ như vậy là vì: Xây dựng NTM là việc làm rất hợp ý Đảng, lòng dân, được nhân dân hưởng ứng sôi nổi tại các vùng nông thôn.
Hai là, nếu không tính các xã của huyện Từ Liêm đã trở thành quận, hiện nay, ngoài 121 xã đã được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn NTM, đến nay đã có 17/386 xã tự chấm điểm đạt 19/19 tiêu chí; 141 xã đạt và cơ bản đạt từ 15 đến 18 tiêu chí; 119/386 xã đạt và cơ bản đạt từ 10 đến 14 tiêu chí. Trung bình toàn thành phố đã đạt 17,1 tiêu chí/xã, dự kiến cuối năm 2015 tiêu chí sẽ nâng lên khoảng 17,5 tiêu chí/xã, tiệm cận rất gần với 19 tiêu chí. Do đó, nhiều khả năng, các xã của Hà Nội sẽ cán đích xây dựng NTM sớm hơn so với dự kiến.
Vì vậy, theo tôi, Nghị quyết nên nâng chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020 lên 80% số xã đạt chuẩn NTM là phù hợp và cũng là một sự tiếp lửa cho công cuộc thực hiện Chương trình xây dựng NTM của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân thành phố đang hừng hực khí thế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.