(HNM) - Những chương trình quảng bá hình ảnh, tiềm năng kinh tế và du lịch liên quan đến biển đảo của Tổ quốc là điều nên làm, bởi những hoạt động này có giá trị tuyên truyền, giáo dục rất lớn.
Như tại Tuần lễ văn hóa du lịch biển đảo Việt Nam - Hà Nội 2014, công chúng tham gia các hoạt động được tổ chức tại số 2 Hoa Lư - Hà Nội không chỉ biết thêm về sản vật đặc trưng của huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quốc (Kiên Giang)… mà còn có thể tiếp cận hệ giá trị văn hóa, lịch sử gắn liền với biển đảo của Việt Nam. Cảm nhận về giá trị tài nguyên, nét đẹp văn hóa, những bài học lịch sử về đấu tranh bảo vệ biển đảo của Tổ quốc là cơ sở hun đúc tình yêu, trách nhiệm và nghĩa vụ tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Hoạt động quảng bá, giao lưu văn hóa có giá trị tuyên truyền, giáo dục tình yêu biển đảo, không hẳn có tác động trực tiếp tới quá trình phát triển và khai thác giá trị biển đảo bền vững nhưng mang ý nghĩa bổ trợ tích cực. Chương trình tổng thể phát triển kinh tế biển, văn hóa du lịch biển đảo và giải pháp thực hiện đúng là điều quan trọng. Quy hoạch phát triển chung cho biển đảo Việt Nam, những kế sách và hành động cụ thể ở từng nơi, tại những Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Vân Đồn, Bạch Long Vỹ, Phú Quốc… và vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam giúp đem lại kết quả cụ thể. Điện đã "lên đường" ra đảo Lý Sơn, huyện đảo Vân Đồn không còn bị "cắt rời" khỏi Cửa Ông như trước, mũi Cà Mau hay địa đầu Móng Cái không còn là "hiểm địa" xa xôi, điều kiện và phương tiện hỗ trợ quân và dân ta sống, công tác và làm kinh tế tại vùng biển quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam đang tốt lên theo thời gian…
Đó là những thành tựu đích thực, có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ lớn là xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Tuy vậy, nhìn tổng thể, việc phát triển du lịch biển đảo Việt Nam - với ý nghĩa sản phẩm du lịch đặc thù trong chiến lược chung của ngành - trong thời gian qua chưa đem lại kết quả tương xứng với nguồn tài nguyên sẵn có, vì nhiều lý do. Như tại huyện đảo Lý Sơn, về vấn đề khai thác nguồn tài nguyên văn hóa và do tự nhiên ban tặng, thấy rõ là ngành du lịch chưa tìm ra cách để tận dụng tối đa lợi thế. Những gì được biết tới rộng rãi, như hành, tỏi, ốc biển hay lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, mộ gió chỉ là một phần nhỏ trong kho tàng tài nguyên du lịch phong phú ở huyện đảo này. Hay tại khu vực Vịnh Bái Tử Long, nơi hội tụ đủ nguồn tài nguyên du lịch phong phú, từ cảnh quan, bãi tắm, sự đa dạng sinh học, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể… sức hút du lịch kém xa Vịnh Hạ Long - địa danh liền kề. Vấn đề không chỉ do chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch hạn chế, mà còn do cách khai thác chưa đồng bộ theo quy hoạch…
Những ngày này, tại Hà Nội đang diễn ra Tuần lễ văn hóa du lịch biển đảo Việt Nam 2014 (từ ngày 21 đến 24-11). Sự kiện khai mạc được truyền hình trực tiếp trên VTV, nội dung chương trình khá phong phú, được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, đủ để "đánh động" một vấn đề quan trọng của đất nước. Vấn đề là "động" thế nào để tận dụng lợi thế sẵn có một cách hiệu quả?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.