Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đảng bộ Hà Nội thực hiện nghiêm “nói đi đôi với làm”

Võ Lâm| 04/03/2017 13:23

(HNMO) - Sáng 4-3, phát biểu tham luận tại hội nghị toàn quốc ngành Tổ chức xây dựng Đảng năm 2017, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định, các nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch công tác của Thành ủy Hà Nội đều được phân công cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ tiến độ với yêu cầu “nói đi đôi với làm”...


Ủy viên TƯ Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tham luận tại Hội nghị.


Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, ngay sau Đại hội đảng bộ các cấp, Đảng bộ Hà Nội luôn coi trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, nhất là đối với hoạt động của hệ thống chính trị thành phố. Thành ủy đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện có nề nếp việc xây dựng, hoàn thiện, thực hiện tốt quy chế làm việc, quy trình công tác trong hệ thống chính trị thành phố, đảm bảo hiệu quả, khoa học, phát huy dân chủ. Thành ủy Hà Nội đã đổi mới cách thức xây dựng nghị quyết, cải tiến việc chỉ đạo thực hiện Nghị quyết theo hướng tập trung, kiên quyết, dứt điểm và hiệu quả; chỉ đạo xử lý nhạy bén, kịp thời những công việc đột xuất, những vấn đề trọng tâm, bức xúc theo quy chế làm việc. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, Thành ủy và cấp ủy các cấp thành phố đã tăng cường sâu sát cơ sở, quan tâm lắng nghe ý kiến của nhân dân.

3 kết quả nổi bật

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, nhìn lại công tác Tổ chức xây dựng Đảng năm 2016, Đảng bộ Hà Nội đã đạt được kết quả khá toàn diện, trong đó có 3 kết quả nổi bật.

Thứ nhất, Đảng bộ thành phố đã tập trung nghiên cứu, ban hành và chỉ đạo thực hiện ngay các chương trình công tác toàn khóa, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố. Trong đó, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 01-CTr/TU ngày 26-4-2016 của Thành ủy về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ; tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), tạo sự chuyển biến mạnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng hệ thống chính trị các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh giai đoạn 2016-2020”. Đây là chương trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tập trung vào những lĩnh vực có tính chất quyết định tới việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của thành phố, với nhiều giải pháp đổi mới, đột phá, có tính khả thi cao kèm theo các chỉ tiêu cụ thể về công tác xây dựng Đảng để triển khai thực hiện chương trình.

Thứ hai, Thành ủy Hà Nội đã tập trung chỉ đạo khoa học, đồng bộ, quyết liệt việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TƯ ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết đã bám sát chỉ đạo của Trung ương, trong quá trình thực hiện có nhiều đổi mới, cách làm sáng tạo. 

Sau một năm tổ chức thực hiện, Thành phố đã hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn 20 đơn vị khối các cơ quan Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội thành phố; sau sắp xếp giảm 13 phòng, ban, 9 đơn vị sự nghiệp; giảm 13 cán bộ cấp trưởng phòng, ban, giảm 27 cán bộ cấp phó phòng, ban và tương đương. Thực hiện hợp nhất 2 đảng bộ khối: Doanh nghiệp và Du lịch Hà Nội. Khối các cơ quan thuộc UBND thành phố đã tiến hành rà soát, sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của 22 sở; sắp xếp giảm 46 phòng, ban, giảm 26 trưởng phòng, 116 phó trưởng phòng. Thực hiện sắp xếp các đơn vị sự nghiệp thuộc sở; sau sắp xếp giảm từ 401 đơn vị xuống còn 280 đơn vị (giảm 121 đơn vị). Hoàn thành sắp xếp 69 ban quản lý dự án đầu tư xây dựng còn 5 ban trực thuộc thành phố, 3 ban duy tu, 4 ban đặc thù và 30 ban tại các quận, huyện, thị xã; thực hiện sáp nhập 3 quỹ gồm Quỹ Đầu tư phát triển Thành phố, Quỹ Phát triển Đất Thành phố, Quỹ Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài Nguyên-Môi trường thành 1 đơn vị trực thuộc thành phố; sau sắp xếp đã giảm 27 ban quản lý dự án, 2 quỹ, giảm 30 cấp trưởng và 69 cấp phó.

Đối với cấp huyện, thực hiện sáp nhập trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp-hướng nghiệp thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên; sáp nhập trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, trung tâm thể thao và đài phát thanh thành Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao từ 78 đơn vị còn 30 đơn vị; sáp nhập Ban Quản lý Dự án, Ban Quản lý Cụm, điểm công nghiệp thành Ban Quản lý Dự án; sáp nhập Trung tâm Phát triển quỹ đất và Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng. Gắn sắp xếp tổ chức để củng cố, sắp xếp đội ngũ cán bộ tinh gọn, hoạt động hiệu quả, đồng thời đẩy mạnh tự chủ kinh phí hoạt động đối với các đơn vị sự nghiệp, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, y tế. Đến nay, 100% các ban Đảng Thành ủy, MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội, các cơ quan đã thực hiện xong việc xây dựng Đề án vị trí việc làm trình phê duyệt.

Thứ ba, Đảng bộ Hà Nội đã thực hiện tốt công tác phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn. Trên địa bàn thành phố hiện có hơn 200.000 doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Xác định đây là khu vực rất cần có sự lãnh đạo của tổ chức đảng và các hoạt động của đoàn thể, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27/02/2012 về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước thuộc Thành phố Hà Nội giai đoạn từ nay đến năm 2020” với nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, kèm theo đó là cơ chế, chính sách rõ ràng, tạo điều kiện cho các tổ chức đảng, đoàn thể được thành lập và hoạt động thuận lợi.

Sau 5 năm chỉ đạo quyết liệt, tập trung thực hiện, toàn thành phố đã thành lập mới 886 tổ chức đảng, nâng tổng số tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước của thành phố lên 1.637 tổ chức; phát triển được 5.964 đảng viên mới (trong đó có 24 chủ doanh nghiệp tư nhân; tỷ lệ đảng viên là công nhân trực tiếp lao động sản xuất tăng cao). Hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp đã góp phần tạo ra môi trường làm việc tốt hơn, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, giúp các doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững.


Những nội dung nêu trên được Đảng bộ Hà Nội xác định là trọng tâm, trọng điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo lĩnh vực Tổ chức xây dựng Đảng trong năm 2017.

Sớm đổi mới quy định về công tác cán bộ


Thay mặt Đảng bộ Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng kiến nghị Ban Tổ chức Trung ương xem xét, tham mưu trình Bộ Chính trị sớm ban hành sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định, quy trình về công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII).

Đảng bộ Hà Nội đề nghị Trung ương tiếp tục nghiên cứu và có văn bản hướng dẫn cụ thể về công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức theo hướng đánh giá đúng thực chất và khuyến khích, động viên cán bộ, công chức, viên chức làm việc có chất lượng, hiệu quả, tăng năng suất lao động; từ đó có biện pháp cụ thể đối với những cán bộ, công chức, viên chức chưa làm hết khả năng, trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại cơ quan, đơn vị; xem xét quy trình xét tuyển, tiếp nhận, tuyển dụng công chức theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường tự chủ cho cơ quan, đơn vị. Đồng thời, tổ chức đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị để tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Trong đó, quan tâm chỉ đạo giải quyết những kiến nghị, đề xuất của các địa phương, các ngành như: sửa đổi, bổ sung một số Nghị định hiện có bất cập trong thực hiện như: các nghị định số 24/2014/NĐ-CP, 37/2014/NĐ-CP, 26/2013/NĐ-CP, 108-NĐ/CP của Chính phủ... 

TP Hà Nội cũng kiến nghị Trung ương chỉ đạo cải tiến chế độ tiền lương, phụ cấp, nâng cao đời sống của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, động viên đội ngũ này hăng hái thực hiện các nhiệm vụ được giao; ban hành Quy định về “Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của đảng bộ cấp trên cơ sở trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước”…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đảng bộ Hà Nội thực hiện nghiêm “nói đi đôi với làm”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.