Trong mỗi giai đoạn cách mạng, công tác xây dựng Đảng đều đặt ra cho ngành Tổ chức xây dựng Đảng những nhiệm vụ cụ thể, đòi hỏi phải được đáp ứng kịp thời. Phát huy truyền thống vẻ vang, ngành Tổ chức xây dựng Đảng thành phố Hà Nội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ thường xuyên; đồng thời có nhiều đổi mới, sáng tạo, góp phần tham mưu với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành các nghị quyết, chỉ thị trong lĩnh vực tổ chức xây dựng Đảng.
Đóng góp của ngành Tổ chức xây dựng Đảng thành phố đã góp phần tạo chuyển biến rõ nét trên các mặt công tác, nhất là công tác cán bộ, xứng đáng là chỗ dựa vững chắc của cấp ủy về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Không ngừng nỗ lực phấn đấu
Cách đây hơn 94 năm, ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trọng đại của cách mạng Việt Nam. Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã quan tâm đến công tác tổ chức cán bộ, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, quyết định sự vững mạnh của Đảng. Ngày 14-10-1930, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lâm thời lần thứ nhất ở Hương Cảng (Trung Quốc), Trung ương Đảng đã quyết định thành lập các bộ, trong đó có Bộ Tổ chức (tiền thân của Ban Tổ chức Trung ương ngày nay) nhằm đáp ứng yêu cầu về công tác tổ chức, cán bộ của Đảng.
Ngày 2-2-2002, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) đã thống nhất lấy ngày 14-10 hằng năm là Ngày truyền thống ngành Tổ chức xây dựng Đảng và cơ quan tổ chức cấp ủy các cấp.
Trong mỗi giai đoạn cách mạng, công tác xây dựng Đảng đều đặt ra những nhiệm vụ cụ thể, đòi hỏi ngành Tổ chức xây dựng Đảng phải đáp ứng kịp thời. Theo đó, Đảng ta đều có các hình thức tổ chức và phương thức hoạt động phù hợp trong mỗi giai đoạn lịch sử. Công tác tổ chức và cán bộ đã tập trung vào việc thực hiện những nhiệm vụ trọng yếu mà Đảng và cách mạng đặt ra. Thông qua hoạt động thực tiễn, ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã tham mưu giúp Đảng củng cố, phát triển tổ chức của hệ thống chính trị; tuyển chọn được những cán bộ, đảng viên, những chiến sĩ ưu tú, trung kiên cho Đảng, cho cách mạng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.
Trong 94 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Tổ chức xây dựng Đảng luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là cơ quan tham mưu đắc lực, là chỗ dựa vững chắc của cấp ủy các cấp về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vững mạnh. Đội ngũ những người làm công tác tổ chức của Đảng qua các thời kỳ không ngừng nỗ lực phấn đấu, xây dựng, vun đắp nên truyền thống của ngành, góp phần vào những chiến công to lớn của cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Tham mưu tuyển chọn cán bộ, đảng viên ưu tú
Đối với thành phố Hà Nội, quá trình xây dựng, phát triển và trưởng thành của ngành Tổ chức xây dựng Đảng luôn gắn liền với truyền thống vẻ vang của Đảng bộ thành phố. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đến nay, Ban Tổ chức Thành ủy đã chủ trì, phối hợp tham mưu với Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy nhiều nội dung quan trọng về công tác cán bộ. Trọng tâm là hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo và các quy trình, quy định liên quan.
Trong đó, Ban Tổ chức Thành ủy đã tham mưu xây dựng Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31-5-2021 của Thành ủy Hà Nội về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo”; Quy định số 07-QĐ/TU ngày 17-11-2021 của Thành ủy về “Luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố Hà Nội”... Qua đó, công tác tổ chức xây dựng Đảng ngày càng chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa, bảo đảm rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, thực chất, công khai, minh bạch.
Thực hiện các quy định của Thành ủy, nhiều địa phương triển khai đồng bộ việc luân chuyển bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND cấp xã. Tính chung toàn thành phố đã có 28/30 bí thư cấp ủy cấp huyện và 21/30 chủ tịch UBND cấp huyện không phải người địa phương. 100% quận, huyện, thị xã đã triển khai thực hiện chủ trương này đối với cấp xã. Việc này đã tạo ra sự thay đổi về chất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ chính trị ở địa phương...
Một khâu có ý nghĩa rất quan trọng là đánh giá cán bộ, đã được Ban Tổ chức Thành ủy tập trung nghiên cứu, tham mưu theo hướng hoàn thiện quy chế, quy trình, nâng cao thêm một bước về chất lượng so với trước. Cụ thể, Ban Tổ chức Thành ủy đã chủ trì tham mưu ứng dụng phần mềm vào công tác đánh giá cán bộ hằng tháng, vừa tiết kiệm thời gian, giấy tờ, vừa bảo đảm liên thông, thực chất. Ban còn tham mưu với Ban Thường vụ Thành ủy sửa đổi, bổ sung 9 nội dung “Quy định đánh giá, xếp loại hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”.
Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, việc sửa đổi giúp xác định đúng chủ thể đánh giá, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền.
Đáng chú ý, Ban Tổ chức Thành ủy đã tham mưu với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 7-8-2023 về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội. Sau hơn 1 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU, phương thức lãnh đạo của Thành ủy và các cấp ủy có nhiều đổi mới; lãnh đạo có trọng tâm, trọng điểm; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo những việc lớn, việc khó, phức tạp của thành phố, tạo động lực trong toàn hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ của thành phố và địa phương, đơn vị. Việc triển khai Chỉ thị số 24-CT/TU cũng đã góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ; khơi dậy các phong trào thi đua sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, xây dựng và triển khai nhiều mô hình mới, sáng tạo, hiệu quả, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Việc thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24-CT/TU còn góp phần tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị, lan tỏa mạnh mẽ tinh thần quyết liệt, sâu sát từ thành phố tới cơ sở, nhất là trong giải quyết việc khó, việc tồn đọng.
Tạo chuyển biến rõ nét trong công tác cán bộ
Theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, trong thời gian tới, ngành Tổ chức xây dựng Đảng thành phố sẽ tập trung tham mưu với các cấp ủy tổ chức hội nghị quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn mới của Trung ương, Thành ủy, trọng tâm là triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TƯ, ngày 14-6-2024 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Kế hoạch số 258-KH/TU ngày 15-7-2024 của Thành ủy Hà Nội về tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XVIII và phục vụ hoạt động của Tiểu ban Nhân sự; tập trung chỉ đạo tổ chức thành công đại hội chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo kế hoạch.
Cùng với việc tiếp tục đôn đốc thực hiện có hiệu quả các chương trình, nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy, toàn ngành tiếp tục tham mưu hoàn thiện các thể chế về tổ chức bộ máy, biên chế theo các chỉ tiêu giao biên chế của Trung ương; tập trung triển khai thực hiện, hoàn thành các chỉ tiêu năm 2024 và cả nhiệm kỳ.
Toàn ngành cũng sẽ tập trung tham mưu với các cấp ủy Đảng xây dựng các chương trình toàn khóa, các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2025-2030 phục vụ công tác văn kiện đại hội. Đặc biệt, ngành sẽ chú trọng tham mưu với cấp ủy Đảng các chỉ tiêu quan trọng trong nhiệm kỳ tới, như: Chỉ tiêu phát triển đảng viên, cơ cấu và tỷ lệ cán bộ,... bảo đảm đúng quy định. Cùng với đó, toàn ngành cũng sẽ chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm 2025 và nhiệm kỳ mới, góp phần đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng cho cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về công tác cán bộ trong giai đoạn hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.