(HNM) - Sau những mâu thuẫn liên quan tới hợp đồng bán cổ phần cho Ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ dẫn tới sự sụp đổ của liên minh cầm quyền, mới đây Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt đã phải tiến hành đợt cải tổ nội các sâu rộng nhằm củng cố sức mạnh cho bộ máy lãnh đạo.
Trong đợt cải tổ nội các này, bà Helle Thorning-Schmidt đã bổ nhiệm cựu Bộ trưởng Khí hậu và năng lượng Martin Lidegaard làm Bộ trưởng Ngoại giao; cựu Bộ trưởng Đại học và nghiên cứu Morten Oestergaard làm Bộ trưởng Thuế cùng một số vị trí khác để thay thế 6 ghế bộ trưởng thuộc đảng Nhân dân Xã hội chủ nghĩa (SPP) đã từ chức. Nguyên nhân là để phản đối thương vụ bán cổ phần của tập đoàn nhà nước đa ngành DONG Energy cho Ngân hàng Goldman Sachs và một số nhà đầu tư khác.
Nội các mới của Đan Mạch. |
Ban đầu, thỏa thuận bán 26% cổ phần của DONG Energy được đón nhận như một thông tin tích cực vì tập đoàn này đang khát vốn để triển khai nhiều dự án năng lượng quan trọng phục vụ lợi ích đất nước. Tuy nhiên, mọi rắc rối bắt đầu bùng lên khi người ta phát hiện ra một trong những nhà đầu tư được sở hữu cổ phần của DONG Energy là Goldman Sachs - một ngân hàng bị cho là nguồn gốc gây ra khủng hoảng tài chính toàn cầu và làm lợi từ nhiều nguồn thiếu minh bạch. Chỉ có khoảng 200.000 người ký vào bản kiến nghị để ngăn chặn thỏa thuận nói trên. Song kết quả một cuộc thăm dò quy mô quốc gia cho thấy, có tới 68% người Đan Mạch phản đối thương vụ này. Ngoài ra, nhiều người cũng nghi ngờ rằng, Goldman Sachs được trao những điều kiện ưu đãi khác thường để được làm cổ đông lớn của DONG Energy. Đây cũng là nguyên nhân gây tranh cãi khiến SPP rút khỏi liên minh cầm quyền với đảng Dân chủ Xã hội (SDP) và đảng Tự do Xã hội (SLP).
Dù đã tiến hành cải tổ nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng, Chính phủ hiện nay đã suy yếu vì chỉ kiểm soát 1/3 số ghế trong Quốc hội. Điều này sẽ phần nào gây khó cho Thủ tướng Helle Thorning-Schmidt trong việc thông qua các chính sách sắp tới. Hiện tại, thách thức lớn nhất đối với nội các mới của Đan Mạch là làm thế nào để thúc đẩy nền kinh tế đang có những dấu hiệu chững lại kể từ sau khi bong bóng nhà đất bị vỡ năm 2007. Để vực dậy nền kinh tế, chính phủ do SDP đứng đầu đã cắt giảm thuế tập đoàn từ 25% xuống còn 22%, đồng thời thắt chặt các quy định hưởng phúc lợi xã hội. Cùng với những điều chỉnh hợp lý, kinh tế Đan Mạch đã gượng dậy và tăng trưởng trở lại trong năm 2013. Tuy nhiên, đà phục hồi vẫn còn bấp bênh. Chi tiêu sẽ khó hỗ trợ cho tăng trưởng trong thời gian tới do các gánh nặng nợ của nhiều hộ gia đình. Trong khi đó, việc xuất khẩu của Copenhagen sa sút vì nền kinh tế nước này bị tác động bởi đồng euro mạnh lên và nhu cầu thị trường giảm sút tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone). Vì vậy, mục tiêu giảm tỷ lệ thất nghiệp, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư và người tiêu dùng, hạ chi tiêu công xuống 56% GDP trong năm 2014, so với mức 56,7% năm 2013 là những bài toán không dễ dàng đối với Thủ tướng Helle Thorning-Schmidt và nội các mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.