Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về 2 dự án luật

Hà Phong| 09/09/2016 08:11

(HNM) - Ngày 8-9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chủ trì hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của 2 dự án luật sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 tới là dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và dự án Luật Về hội.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)


Dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã khẳng định và cụ thể hóa nội hàm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của cá nhân, tổ chức và người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam; quy định về nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; bổ sung quy định về trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.

Về công nhận tổ chức tôn giáo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, quy định về điều kiện để một tổ chức được công nhận là tổ chức tôn giáo phải hoạt động ổn định trong 5 năm cần xem xét lại. Nếu tổ chức nào đáp ứng đầy đủ các tiêu chí thì xét công nhận là tổ chức tôn giáo chứ không nên đặt ra những rào cản như vậy. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng lại nêu quan điểm là cần thiết nhằm kiểm nghiệm thực tế hoạt động của tổ chức trước khi công nhận, bảo đảm tổ chức tôn giáo hoạt động ổn định, lâu dài.

Về quản lý nhà nước về tôn giáo, hiện nay, theo phân công của Chính phủ, Bộ Nội vụ thực hiện chức năng quản lý nhưng thực hiện còn phân tán, thiếu đồng bộ và chưa hiệu quả. Nhiều ý kiến đề nghị phải có một cơ quan nhà nước phù hợp, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo nhằm bảo đảm sự thống nhất và thuận lợi trong quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

Với dự án Luật Về hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, việc ban hành là rất cần thiết để hoàn thiện cơ sở pháp lý trong việc quản lý hoạt động hiệp hội ở Việt Nam và bảo đảm quyền lập hội của công dân. Dự thảo luật này đã được Quốc hội khóa XIII cho ý kiến và sẽ được trình Quốc hội khóa XIV xem xét, thảo luận, thông qua trong kỳ họp thứ 2 chuẩn bị diễn ra vào tháng 10 tới. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, kết cấu của dự thảo luật có sự thay đổi từ 8 chương với 36 điều thành 7 chương với 43 điều.

Vấn đề hoạt động của hội nhận được nhiều ý kiến đóng góp. Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Đoàn Quảng Ngãi) đề xuất, cần có các quy định liên quan đến hoạt động của Đoàn Thanh niên, tổ chức Công đoàn trong hoạt động của hội. Vấn đề về công chức tham gia hội và quy định về khen thưởng đối với hội có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội cũng cần nêu chi tiết, tránh nhiều cách hiểu khác nhau trong quá trình thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về 2 dự án luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.