(HNM) - Đa dạng hóa hình thức trải nghiệm đang là hướng đi được nhiều bảo tàng, di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội hướng tới, nhằm tăng sức hấp dẫn, nâng cao hiệu quả tôn vinh, quảng bá di sản. Với phương pháp tiếp cận tích cực, phù hợp với từng nhóm đối tượng, các chương trình giáo dục di sản đã và đang giúp du khách và học sinh có những trải nghiệm mới, qua đó thêm hiểu, thêm yêu văn hóa dân tộc.
Tăng tính trải nghiệm, khích lệ tìm tòi
Khu trải nghiệm cùng di sản của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám những ngày này luôn rộn rã tiếng nói, cười của các em học sinh tham gia những chương trình giáo dục di sản theo từng chủ đề riêng biệt. Có thể kể đến lớp học “Tìm hiểu chữ Hán tại Văn Miếu”, khiến nhiều bạn nhỏ thích thú khi lần đầu tiên biết đến các “bộ thủ” cùng quy tắc ghép chữ Hán, hào hứng tìm hiểu cách đọc chữ Hán trên hoành phi ở Văn Miếu, hay cùng nhau trải nghiệm in chữ Hán cổ trên giấy dó…
Trước đó, cũng tại không gian này, một lớp học thú vị và bổ ích khác mang tên “Khám phá linh vật hổ” được mở ra cho các bé mầm non. Các bé tìm hiểu về bức phù điêu “Mãnh hổ hạ sơn” trước cổng Văn Miếu, thu thập kiến thức về loài hổ trong tự nhiên, hổ trong cổ tích cũng như trong đời sống tâm linh của người Việt Nam. Hiệu trưởng Trường Mầm non KLF Hà Nội Nguyễn Thị Như Sao cho biết: “Hoạt động trải nghiệm tại di tích vô cùng hấp dẫn và hiệu quả. Dù là lứa tuổi mầm non, song các con đã học hỏi được rất nhiều điều bổ ích về di sản và hình thành các kỹ năng thông qua lớp học”.
Tương tự, Bảo tàng Lịch sử quốc gia những ngày tháng 6 này luôn sôi nổi với các chương trình “học mà chơi” đa nội dung, tăng trải nghiệm, khuyến khích tìm tòi, học hỏi. Chẳng hạn, ở chủ đề liên quan đến những trận thủy chiến, các đội thi trải qua nhiều vòng thi “nghe giới thiệu, đoán nhân vật”; “thử thách đóng cọc Bạch Đằng”; hay thuyết trình về những trận thủy chiến quan trọng trong lịch sử.
Em Phạm Bảo Lâm (Trường Tiểu học Ngôi Sao, quận Thanh Xuân) chia sẻ: “Tham gia chương trình, con thấy các cô kể chuyện lịch sử rất dễ hiểu, lại có nhiều trò chơi, nên con rất thích. Con đã tự tìm hiểu thêm những câu chuyện lịch sử qua ông bà, bố mẹ và sách vở, để có thể tự tin tham gia thi thuyết trình cùng các bạn”.
Theo chị Nguyễn Thị Hà, Phòng Giáo dục - Công chúng (Bảo tàng Lịch sử quốc gia), chương trình “học mà chơi” đang được bảo tàng triển khai thông qua nhiều hình thức. Mỗi sự kiện lại có một kịch bản phù hợp với từng lứa tuổi; đồng thời luôn có sự tương tác, có câu chuyện, kết hợp với trò chơi để lịch sử hấp dẫn hơn với đối tượng tiếp cận. Nhờ vậy, từ đầu năm đến nay, bảo tàng đã triển khai thành công 300 chương trình, bằng số chương trình đã được triển khai trong cả năm 2021.
Khai thác lợi ích “nhiều trong một”
Là hướng đi được nhiều bảo tàng, di tích hướng tới, giáo dục di sản đang ngày càng chứng tỏ sức hấp dẫn thông qua những phương pháp tiếp cận đổi mới, sáng tạo, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Hình ảnh các đoàn khách đa dạng lứa tuổi tham gia những hoạt động giáo dục trải nghiệm đã trở nên quen thuộc tại nhiều bảo tàng, di tích với các phòng, khu trải nghiệm riêng... Có thể kể đến, Bảo tàng Hồ Chí Minh có không gian cho các hoạt động học tập theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh; di tích Nhà tù Hỏa Lò với chuỗi chương trình trải nghiệm “Sống như những đóa hoa”; khu di sản Hoàng thành Thăng Long có các chương trình “Em làm nhà khảo cổ” và “Em tìm hiểu di sản”…
Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang, từ năm 2018, trung tâm đã tổ chức các khu vực tương tác, trải nghiệm di sản phù hợp cho từng cấp học; xây dựng nhiều chuyên đề giáo dục di sản gắn với các dữ liệu lịch sử cụ thể, nhằm tạo hứng thú tiếp nhận văn hóa, lịch sử một cách tự nhiên nhất. Trung bình mỗi năm, các chương trình giáo dục di sản của trung tâm đón hàng nghìn lượt học sinh tham dự.
Còn theo nhà sử học Lê Văn Lan, để khai thác hiệu quả lợi ích “nhiều trong một” của giáo dục di sản, điều cốt yếu vẫn là tìm ra cách làm, xây dựng chương trình phù hợp với điều kiện thực tế cũng như đặc trưng của di sản. Ngoài ra, cần tính đến các giải pháp khắc phục hạn chế về cơ sở hạ tầng, trang bị đồ dùng, dụng cụ, bổ sung hệ thống dịch vụ, sản phẩm lưu niệm giàu bản sắc, phục vụ nhu cầu của đối tượng tham gia trải nghiệm.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho biết, Bộ đã yêu cầu các địa phương, điểm đến di sản xây dựng cơ sở dữ liệu số về di sản văn hóa phù hợp với đối tượng, phạm vi hoạt động và điều kiện thực tế. Đẩy mạnh kết nối, hợp tác giữa di sản với các nhà trường, các cơ sở giáo dục để thực hiện hiệu quả chương trình. Hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ với các trường trong việc lựa chọn, đưa các trò chơi dân gian, nghệ thuật trình diễn… vào chương trình ngoại khóa; đồng thời kết nối, mời nghệ nhân tham gia hoạt động truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể cho thế hệ trẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.